Vòng xoáy chết - Phần 1.9
Mai Takano xuốn tàu tuyến Odakyu tại ga Sagami Ohno rồi đi vào phố chính, nhưng cô không quyết định được rẽ hướng nào. Cô đã đi bộ trên con đường này theo chiều ngược lại cách đây 2 tuần, nhưng hiện giờ cô mất hết cảm giác phương hướng. Khi đến nhà bố mẹ Ryuji dự lễ viếng, cô đi theo xe của cơ quan Giám định Pháp y. Lần này, tự đi bộ đến từ nhà ga, chưa quá ba mươi mét cô đã nhận ra mình xa lạ với xung quanh. Đây không phải là chuyện cô trải qua lần đầu. Cô luôn bị lạc khi cố đến một nơi nào đó mà cô mới chỉ đến có một lần.
Cô có số điện thoại của bố mẹ Ryuji, nên điều duy nhất cô phải làm là gọi điện. Nhưng cô ngại, không dám nhờ mẹ Ryuji đến đón cô. Cô quyết định tin vào trực giác một chút nữa. Cũng không còn xa nữa, cố biết điều đó. Chỉ mười phút đi bộ từ nhà ga.
Đột nhiên, cô thấy khuôn mặt Ando hiện lên trong đầu. Cô đã hẹn ăn tối với anh vào thứ Sáu tới, nhưng giờ đây, cô tự hỏi liệu có bất cẩn quá không khi chấp nhận hẹn ăn tối như vậy. Cô bắt đầu hối tiếc. Đối với cô, Ando là một người bạn của Ryuji, là người cô có thể chia sẻ những kỷ niệm về Ryuji. Nếu cô có thế làm cho Ando kể cô nghe những câu chuyện về Ryuji thời đại học, có lẽ cô sẽ hiểu hơn những tư tưởng không thể thấu hiểu được của Ryuji. Nói cách khác, cô phải thừa nhận rằng đã có những tính toán nhất định trong quyết định đi ăn tối với Ando. Nhưng nếu Ando bắt đầu ấp ủ kiểu ý nghĩ mà một người đàn ông có thể có về một người phụ nữ, thì mọi việc sẽ dễ trở nên khó chịu. Từ khi vào đại học, khó khăn lắm cô mới hiểu được rằng đàn ông và phụ nữ mong muốn những điều khác nhau rất nhiều. Điều Mai mong muốn là duy trì mối quan hệ ở mức độ mà cô và họ có thể tạo cho nhau những khuyến khích về trí thức; tuy nhiên, mối quan tâm của các bạn trai cô luôn có xu hướng đổ về những bộ phận ở thân dưới cô. Cô buộc phải từ chối họ một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Những tổn thương mà sự từ chối của cô gây ra cho họ luôn luôn lớn hơn những gì cô có thể chiu đựng. Họ gửi cho cô những bức thư xin lỗi dài và chúng chỉ xát thêm muối vào những vết thương của cô, hoặc họ sẽ gọi điện và điều đầu tiên họ thốt ra là, “Em nghe này, anh thực sự rất tiếc về điều đã xảy ra lần trước.” Cô không muốn họ xin lỗi. Cô muốn họ học được và trưởng thành từ những kinh nghiệm đó. Cô muốn thấy một người đàn ông biết chuyển sự xấu hổ thành nghị lực và tham gia vào cuộc đấu tranh để thực sự để trưởng thanh lên. Nếu họ làm được điều đó, cô sẽ nối lại tình bạn bất cứ lúc nào. Nhưng cô không thể làm bạn với một anh chàng mà tâm lý không bao giờ thay đổi, không biết xấu hổ, một đứa trẻ không chịu lớn khôn.
Ryuji là người duy nhất mà cô có mối quan hệ nghiêm túc. Anh không giống đám thanh niên vây quanh cô. Điều cô và Ryuji đã cho nhau là vô giá. Nếu cô có thể chắc chắn rằng mối quan hệ với Ando cũng giống như mối quan hệ mà cô có với Ryuji, thì cô sẽ chấp nhận bất cứ số lần mời đi ăn tối nào của anh. Nhưng từ kinh nghiệm, cô biết rằng khả năng đó không cao. Khả năng cô gặp được ở nước Nhật này, một người đàn ông độc lập, một người đàn ông xứng đáng với khái niệm “đàn ông”, gần như là con số không. Dầu vậy, cô vẫn không thể loại Ando hoàn toàn ra khỏi tâm trí.
Chỉ một lần, Ryuji đã nhắc đến tên anh với cô. Cuộc nói chuyện của họ đang về công nghệ gen, rồi đột nhiên anh lạc chủ đề và nhắc đến tên Ando.
Mai chưa hiểu sự khác biệt giứa gen và ADN. Chúng không phải là một sao? Ryuji bắt đầu giải thích cho cô rằng ADN là vật liệu hoá học trong đó thông tin di truyền được ghi lại, trong khi gen là một đơn vị của các thông tin di truyền với số lượng gần như vô tận đó. Trong lúc thảo luận, Ryuji nói rằng công nghệ hiện tại chia ADN thành các phần nhỏ bằng cách sử dụng các enzym giới hạn, và sắp xếp lại nó. Mai nhận xét rằng quá trình đó nghe giống như “một trò chơi đố.” Ryuji đồng ý: “Hoàn toàn đúng, nó giống như giải một trò đố, hoặc giải mã.” Từ đó, cuộc nói chuyện lạc khỏi chủ đề, cho đến khi Ryuji kể cho cô nghe câu chuyện từ thời đại học.
Khi Ryuji nhận ra rằng bản chất của cộng nghệ ADN liên quan tới mật mã, anh bắt đầu chơi trò giải mã với những người bạn trong trường y, giữa các lớp với nhau. Anh kể cho cô nghe một giai thoại thú vị về trò chơi này. Nhiều sinh viên bị quyến rũ bởi sinh học phân tử và do đó, không lâu sau, Ryuji tuyển chọn được mười người để tham gia trò chơi. Luật chơi rất đơn giản. Một người đưa ra một thông điệp được mã hoá, sau đó những người khác sẽ có một số ngày để giải mã thông điệp. Người đầu tiên giải đúng sẽ thắng. Trò chơi thử thích kỹ năng toán học và logic của họ, nhưng cũng đòi hỏi những tia sáng cảm hứng. Mọi người đều thích nó.
Các mật mã khác nhau về độ khó, tuỳ thuộc vào kỹ năng của người tạo ra chúng, nhưng Ryuji có thể giải hầu hết. Trong khi đó, chỉ một người bạn cùng lớp có thế giải được mật mã của Ryuji. Misuo Ando. Ryuji kể cho Mai biết anh đã sốc như thế nào khi bị Ando giải được mật mã.
Anh thấy lạnh người. Điều đó giống như thế anh ta đọc được suy nghĩ của anh.
Và cái tên Mitsuo Ando đã gây ra một ấn tượng sâu sắc cho Mai. Đó là lý do sao cô quá ngạc nhiên khi viên cảnh sát giới thiệu cô với Ando tại cơ quan Giám định Pháp y. Anh ấy hẳn là người tên Ando đó – anh ấy thậm chí còn tự giới thiệu là bạn cũ của Ryuji. Biết Ando là người duy nhất có thể giải được một trong số các mật mã cũa Ryuji, Mai cảm giác cô có thể tin tưởng anh. Cô chỉ biết rằng kỹ năng của anh với chiếc dao mổ hẳn là cao siêu lắm và rằng anh có thế tìm ra nguyên nhân cái chết.
Mai vẫn bị ảnh hưởng từ những lời của một người đã chết cách đây hai tuần. Nếu Ryuji không nhắc tên Ando cho cô, có lẽ cô không bao giờ gọi điện đến cơ quan Giám định Pháp y để hỏi nguyên nhân cái chết; cô sẽ không bao giờ gặp lại Ando trong khuôn viên trường đại học. Một lời nói tình cờ của Ryuji đã ràng buộc cô một cách tinh vi.
Mai rời đường chính đi vào một mê cung những con phố của khu dân cư. Ở đó, cô nhìn thấy biến hiệu một cửa hàng tạp phẩm mà cô nhận ra. Cô biết sẽ phải đi đâu từ điểm đó. Khi cô rẽ tại cửa hàng tạp phẩm, căn nhà của cha mẹ Ryuji sẽ ở ngay đằng trước. Ký ức cách đây hai tuần bắt đầu quay lại, cô rảo bước nhanh hơn.
Đó là một ngôi nhà không có gì đặc biệt, xây trên lô đất chừng bốn trăm mét vuông. Hôm ở lễ viếng, cô nhớ tầng một có phòng khách lớn nối với một phòng nhỏ hơn kiểu Nhật Bản.
Ngay sau khi Mai nhấn chuông, mẹ của Ryuji xuất hiện nơi cửa. Bà đã nóng lòng chờ đợi Mai, bà dẫn cô lên tầng hai, đến căn phòng của Ryuji từ thời phổ thông đến năm thứ hai sau đại học. Sau năm thứ ba, Ryuji dọn ra khỏi nhà rồi thuê một phòng ở gần trường, mặc dù khoảng cách từ nhà đến trường thuận tiện cho việc đi về trong ngày. Từ đó, những lần duy nhất mà căn phòng được sử dụng làm phòng làm việc là khi Ryuji về thăm nhà.
Mẹ Ryuji mang vào một đĩa bánh bơ giòn và một tách cà phê rồi rời phòng. Khi Mai nhìn bà lê chân xuống phòng dưới, đầu cúi gục, cô xúc động trước nỗi đau của bà khi mất đi đứa con trai.
Còn lại một mình, lần đầu tiên Mai nhìn kỹ xung quanh. Đó là một căn phòng kiểu Nhật với sàn nhà lát gỗ. Ở góc phòng, một tấm thảm được trải ra dưới bàn làm việc. Giá sách đặt dọc theo các bức tường, nhưng cô chỉ nhìn thấy phần trên giá sách; phần dưới bị che đi bởi đống hộp các tông và đồ dùng để bừa bãi trên sàn. Cô đếm qua số hộp. Hai mươi bảy. Những hộp này đựng tất cả mọi thứ được chở từ căn hộ của Ryuji ở Đông Nakano sau khi anh chết. Những món đồ lớn hơn – giường, tủ, v.v… – họ đã cho đi. Những cái hộp dường như đựng chủ yếu là sách.
Mai thở dài, rồi ngồi xuống sàn nhà, nhấp một ngụm cà phê. Cô đã cố chấp nhận khả năng sẽ không thể tìm thấy nó. Thậm chí nếu nó có ở đâu đó trong đống hộp kia, thì tìm ra vài trang bản thảo trong tất cả đống đồ đạc ấy cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Có lẽ các trang đó thậm chí không nằm trong những hộp này.
Hai mươi bảy hộp tất cả đều được dán băng dính kín.
Cô cởi áo len xắn tay áo lên, rồi mở chiếc hộp gần nhất. Những cuốn sách bìa mềm. Cô cầm lên vài quyển. Một cuốn hóa ra là sách mà cô đã tặng Ryuji. Khao khát bỗng tràn ngập trong cô. Một căn hộ cũ của Ryuji vẫn bám nơi bìa sách.
Đây không phải là nơi để đắm mình trong cảm xúc.
Cô ngăn dòng nước mắt và quay lại công việc lôi những thứ trong hộp ra.
Nhưng khi lục tìm đến tận đáy hộp, vẫn không có dấu hiệu của những trang bản thảo. Mai cố suy luận chúng có thể bị để lẫn vào cái gì. Có lẽ một trong những cuốn sách mà anh ấy dùng để tham khảo, hoặc một trong các hồ sơ mà anh ấy đựng tài liệu nghiên cứu. Cô tiếp tục bóc lớp băng dán trên các hộp.
Lưng cô bắt đầu đổ mồ hôi. Lấy những cuốn sách ra khỏi hộp rồi lại bỏ chúng vào quả là công việc đòi hỏi nhiều công sức đến ngạc nhiên. Sau khi kiểm tra xong hộp thứ ba, cô ngồi nhỉ và cân nhắc ý tưởng tự viết những trang bị mất đó. Lý thuyết đầy thách thức của Ryuji về logic biểu tượng đã được phổ biến ra công chúng, mặc dù theo từng phần, trên các tạp chí chuyên ngành. Tuy nhiên, dự án này không quá tập trung vào một nhóm đối tượng hẹp. Ryuji cũng đang viết một công trình có độ dài ngang một cuốn sách, hướng vào các độc gỉa phổ thông, nội dung liên quan đến logic và khoa học trong bối cảnh nhiều vấn đề xã hội khác nhau.. Điều anh trình bày trong công trình đó không quá khó. Thực tế, công trình này chia ra thành nhiều phần và được xuất bản hàng tháng bởi một nhà xuất bản lớn. Mai đã tham gia dự án này từ ban đầu, cô tình nguyện sao chép lại cho sạch sẽ những gì Ryuji viết, cô thậm chí đã tham gia các buổi họp với người biên tập. Vì vậy, cô cảm thấy mình nắm khá rõ mạch lập luận của Ryuji cũng như phong cách viết của anh. Nếu chỉ có một hoặc hai trang bị mất, cô thấy tự tin rằng mình có thể nghĩ ra cái gì đó để lấp vào chỗ trống mà không gây ra bất cứ sự thiếu nhất quán nào.
Nhưng chỉ khi mình có thể chắc chắn rằng chỉ có một trang bị mất.
Nếu đúng như thế, có lẽ cô sẽ đầu hàng trước cám dỗ này. Mỗi phần có bình quân bốn mươi trang bản thảo, nhưng đó là số bình quân. Số trang dao động từ ba bảy đến bốn mươi hai. Đây là phần thứ mười hai và là phần cuối. Nghĩa là cô không có cách nào biết được bao nhiêu trang bị mất. Khi cô rời lễ viếng để sắp xếp bản thảo, cô đã tìm thấy phần cuối, có ba mươi tám trang viết tay. Trang cuối cùng được đánh số 38, và trước nó có ba mươi bảy trang. Lúc đầu cô không ngờ rằng có gì đó sai sót. Mặc cho lễ tang và tất cả, cô vẫn thức khuya để ngồi chép một bản thảo sạch, cuối cùng, khi đã đến hạn chót, cô ngồi và đọc toàn bộ bản thảo. Chính lúc ấy cô mới nhận ra có chỗ thiếu giữa hai trang cuối cùng. Nếu xem một số trang chúng có vẻ ổn – trang 38 tiếp theo sau trang 37 – nhưng có điều gì đó quan trọng đã thiếu. Thực tế là phần kết luận. Và không có phần này thì những lập luận sẽ là vô nghĩa. Hai dòng cuối cùng của trang 37 bị gạch bỏ bằng bút bi, có một mũi tên chỉ dẫn đến mép trang. Nhưng trang tiếp theo không có đầu của mũi tên. Cô chỉ có thể phỏng đoán rằng anh đã bổ sung điều gì đó, và rằng điều gì đó ấy đã biến mất.
Tái nhợt đi, cô đọc lại toàn bộ từ đầu vài lần nữa. Nhưng càng đọc thì càng thấy rõ ràng có một khoảng trống ở đoạn cuối. Mạch lập luận của anh, vốn được lặp lại và mở rộng sau mỗi phần, bỗng dưng dừng lại với những từ, “Tuy nhiên, chính vì lý do đó…” Cụm từ này dường như hứa hẹn một phản đề, nhưng câu văn bị ngắt ở đấy. Càng hiểu dòng suy nghĩ của anh, cô càng tin rằng một đoạn quan trọng, có thể dài nhiều trang, đã biến mất. Toàn bộ công trình mười hai phần, khoảng năm trăm trang đã được lên kế hoạch để xuất bản dưới dạng sách. Đây là kết luận mà cô đang tìm. Điều này rất hệ trọng.
Do đó ngay lập tức cô gọi điện đến nhà bố mẹ của Ryuji và giải thích tình huống với họ. Trong hai hoặc ba ngày sau lễ tang, họ đã dọn căn hộ của Ryuji và mang hết sách vở, đồ đạc cá nhân của anh về căn phòng cũ. Nếu những trang bị thiếu lẫn vào cái gì khác, chúng phải ở đâu đó trong phòng, Mai đã giải thích cho bố mẹ Ryuji như thế. Cô cần được họ cho phép tìm kiếm trong đống đồ đạc của Tyuji.
Nhưng giờ đây, đối mặt với những chồng hộp, cô thấy muốn khóc.
Ôi, sao anh lại ra đi bỏ mặt em.
Dù sao, quả là tài tình, khi trút hơi thở cuối cùng ngay sau khi kết thúc bản thảo. Cô căm ghét điều đó biết bao.
Em muốn anh quay lại đây ngay lúc này và cho em biết chuyện gì đã xảy ra với những trang viết đó!
Cô với lấy tách cà phê, giờ đã nguội lanh. Giá như cô đọc qua bản thảo sớm hơn, cô sẽ không ở trong cái đống ngổn ngang này. Có hối tiếc đến đâu cũng chưa đủ. Nếu không thể tìm thấy những trang bị thiếu, cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng tự viết lấy chúng. Cô sợ cứng người vì ý nghĩ rằng điều mình viết có thể khác với ý định của Ryuji. Cô thực sự hơi quá tự tin. Quả đúng là cô đã được nhận vào học ở khoa sau đại học, nhưng để một cô gái mới hơn đôi mươi giả mạo kết luận trong tác phẩm cuối cùng của một nhà logic học, người mà mọi người đều kỳ vọng những điều vĩ đại …
Mình không thể làm thế.
Tự nhủ phải tìm thấy những trang thiếu đó, cô lại mở hộp tiếp theo.
Khoảng hơn bốn giờ, căn phòng, mặt quay về phía Đông, bắt đầu tối, cô bật đèn lên. Lúc này là tháng Mười một, ngày đang ngắn đi đáng kể. Nhưng trời không lạnh. Mai đứng dậy kéo rèm của lại. Cô thấy khó chịu từ nãy vì cảm giác ai đó đang theo dõi mình qua cửa sổ.
Cô đã lục tìm phân nửa số hộp các tông, nhưng vẫn chưa tìm thấy những trang thiếu.
Đột nhiên, Mai nghe tiếng tim mình đập nhanh. Trong ngực cô đội lên tiếng tình thịch. Cô dừng công việc đang làm và ngồi xuống, một bên đầu gối để cao, lưng cúi, chờ cho nhịp tim dịu lại. Điều này chưa bao giờ xảy ra với cô trước đây. Cô ấn tay lên phía trái ngực cô xác định xem điều gì đã gây ra hiện tượng đó. Có phải là mặc cảm tội lỗi vì đã làm mất tác phẩm của thầy giáo mình? Không, không phải vậy. Có gì đó đang ẩn nấp trong phòng. Một phút trước, cô đã nghĩ nó từ bên ngoài phòng nhìn chằm chằm vào mình, nhưng rõ ràng cô đã nhầm. Cô gần như chờ đợi một con mèo hoặc cái gì đó nhảy bổ ra từ sau một chiếc hộp.
Cô cảm thấy lành lạnh sau đầu và gáy. Một ánh mình như muốn đâm xuyên. Cô quay lại. Cô thấy chiếc áo len hồng của mình đang phủ lên một chiếc hộp, cô đã bỏ nó ở đấy để bắt đầu việc tìm kiếm. Những lỗ nhỏ giữa các sợi len sáng long lanh như những con mắt, phản chiếu ánh đèn. Mai nhặt chiếc áo len và thấy lộ ra một đầu máy video.
Chiếc máy đen thẫm nằm trên một cái hộp, dây quấn xung quanh. Đó hẳn là chiếc đầu máy ở căn hộ của Ryuji. Tuy nhiên, không có màn hình TV, và chiếc đầu máy cũng không thấy cắm vào ổ điện.
Rón rén, Mai đưa tay chạm vào mép máy. Dây điện quấn quanh phần giữa, từ trên xuống, khiến chiếc đầu máy nằm trên những vòng dây giống như trên một cái bập bênh.
Mình đã để áo lên đây à?
Cô không thể nhớ được. Tất nhiên, không có giải thích nào khác. Trước khi bắt đầu tìm kiếm trong những cái hộp, cô đã cởi áo len và vô tình để nó lên đầu máy video. Hẳn là như thế.
Cô nhìn chằm chằm vào cái máy có lẽ khoảng trong một phút, và mọi ý nghĩ về những trang viết thiếu biến mất khỏi tâm trí. Thay vào đó xoáy lên những câu hỏi về một cuốn băng.
Cô không thể quên điều Kazuyuki Asakawa đã nói vào hôm sau cái chết của Ryuji. “Anh ấy không nói với cô có gì ở đó vào phút cuối sao? Không một lời trăng trối? Không một lời, chẳng hạn như, về một cuốn băng sao?”
Mai tháo những vòng dây quanh thân máy. Cô nhặt dây nguồn lên và tìm ổ cắm. Một ổ cắm nối nằm khiêm tốn dưới chân bàn. Cô cắm dây vào đó. Bốn số không bắt đầu nhấp nháy trên nàm hiển thị của đầu máy – nhịp nhấp nháy của nó, giống như của một người chết sống lại. Mai đưa ngón trỏ tay phải ra, xoay thành vòng tròn trước chiếc đầu máy. Cô không thể quyết định phải làm gì. Một giọng nói vô thanh bảo cô đừng chạm vào nó. Dù vậy Mai vẫn nhấn vào nút EJECT. Khe máy mở, tiếng động cơ ro ro, và một cuộn băng chui ra. Trên gáy băng có nhãn, và nhan đề được viết trên đó.
Liza Minnelli, Frank Sinatra, Sammy Davis, Jr./1989
Cuộn băng trông giống như một cái lưỡi lớn nhô ra khỏi đầu máy. Đầu máy giống như đứa trẻ, đang nháy mắt và ngọ nguậy chiếc lưỡi trước mặt cô.
Mai túm chặt chiếc lưỡi đen đó và kéo ra.