Vị Khách Lúc Nửa Đêm - Chương 58
Thanh Huệ nói: “Có”, lão Tứ lại cởi mũ nói: “Không chụp đâu, anh phải đi đây.” Nói xong, anh ta sải bước ra khỏi phạm vi lấy cảnh của máy ảnh, cúi đầu nhanh chóng châm một điếu thuốc lá, hút mấy hơi, đột nhiên cảm thấy sau lưng có người, quay lại liền trông thấy Thịnh Thanh Nhượng.
Lão Tứ búng tay phủi tàn thuốc, nheo mắt lại giữa làn khói, nói: “Với cái nhà này, anh trái lại không rời không bỏ, chẳng trách trước khi đi, ba tâm tâm niệm niệm muốn gặp anh, xem ra ông già cũng biết anh có lương tâm nhất.”
Lúc ông Thịnh qua đời, Thịnh Thanh Nhượng còn đang ở Paris.
Cách muôn sông nghìn núi, thư từ lại lạc hậu, lúc Thịnh Thanh Nhượng nhận được thư, ông Thịnh đã qua đời được mấy tháng.
Trong phong thư duy nhất và cũng là cuối cùng mà ông Thịnh gửi cho anh viết: “Cuộc đời này ta có hai cái sai, thứ nhất là có lỗi với mẹ con, thứ hai là có lỗi với con, mọi chuyện đã qua không thể bù lại. Nếu bằng lòng quay về, con hãy về nhà; nếu không muốn về, ta sẽ nhờ bạn bè bên Pháp chiếu ứng con.”
Lần đầu tiên Thịnh Thanh Nhượng nhận được thư của cha, cũng là lần đầu tiên nghe ông Thịnh nói lời này.
Về sau học hành thành tài, anh đã từng do dự có nên ở lại Paris không, nhưng hai chữ “về nhà” luôn nấn ná trong tim, do đó cuối cùng về Thượng Hải.
“Nếu ông ấy sớm biết anh tài giỏi như vậy, năm đó sẽ không nỡ đưa anh đến nhà bác cả.” Lão Tứ tiếp tục hút thuốc, thở dài nói: “Trước khi đi còn viết thư gọi anh từ Paris về, tiếc rằng lúc ấy trong nhà ai cũng không thích gặp anh, ngay cả chụp ảnh chung cũng không gọi anh.” Anh ta nói, đoạn quay đầu liếc người nhà còn đang tạo dáng chụp ảnh, hỏi Thịnh Thanh Nhượng: “Bây giờ chụp ảnh họ lại gọi anh đứng giữa, làm bao nhiêu việc chỉ để được công nhận như vậy, anh thấy có đáng không?”
Thịnh Thanh Nhượng nhớ tới chuyện mấy năm trước, vốn tưởng rằng sẽ có muôn vàn cảm xúc, song thực tế trong lòng lại không chút xao động.
Bất cứ chuyện gì cũng chỉ cầu không thẹn với lương tâm, anh nói: “Được thấu hiểu, công nhận đương nhiên tốt, nhưng anh làm những chuyện này là vì muốn làm, không phải vì muốn được thấu hiểu hay công nhận, vì thế không nói tới có đáng hay không.”
Lúc hai người nói chuyện, chị dâu cả đi tới.
Lão Tứ ít nhiều có vài phần kính trong chị dâu cả, vừa rồi nóng lòng chụp ảnh chưa kịp chào hỏi, lúc này anh ta xoay người lại, gọi một tiếng “chị dâu cả”.
Chị dâu cả ngẩng đầu nói với anh ta: “Chú có thể bình an trở về, anh chị rất mừng.”
Lão Tứ lại đáp: “Em lập tức đi ngay, có lẽ về sau sẽ không trở về, trong nhà cứ như trước đây, coi như không có em đi.”
Chị dâu cả biết anh ta không thích cái nhà này, cũng biết từ trước đến nay anh ta quen mạnh miệng, nhìn anh ta thương tích đầy mình, nghĩ đến chuyện anh ta lập tức phải về tiền tuyến, chị chung quy vẫn lo lắng.
Chị nhìn sang anh ta, nói: “Có nước mới có nhà, mặc dù em rời khỏi gia đình này, nhưng canh giữ Thượng Hải, canh giữ mảnh đất tổ quốc, chính là đang canh giữ gia đình chúng ta. Chị chuyển lời anh cả nói lại cho em, anh ấy bảo em hãy sống sót, sống đến khi tướng địch bị đuổi khỏi biên giới, đến lúc đó lại về nhà, anh chị chuẩn bị cho em loại rượu tốt nhất.”
Điếu thuốc trong tay lão tứ sắp cháy hết, xe jeep quân dụng ngoài cửa bấm còi dồn dập tựa như quân lệnh, thúc giục anh ta rời đi.
Anh ta nhíu mày, đôi môi ngậm điếu thuốc lá chất lượng kém mím chặt, khô khốc, trong lòng đan xen trăm mối cảm xúc, khoé mắt giãn ra cay xè.
Lấy ngón tay dập tàn thuốc, đội mũ lên đầu, lão Tứ im lặng xoay người bước ra cửa, trước khi lên xe, anh ta chợt ngoảnh lại, hô to vọng vào nhà: “Em đi đây! Mọi người lên đường bình an, ngày sau gặp lại!”
Xe khởi động, Thanh Huệ cất bước đuổi theo, nhưng lúc cô thở hổn hển chạy tới cửa, chiếc xe jeep màu xanh quân đội đã chạy như bay đến cuối con đường, rẽ sang một hướng khác, nhanh chóng khuất bóng, chỉ còn bụi đất bay tứ tung và lá rụng xào xạc ven đường.
Mùa thu Thượng Hải đến thật rồi.
Từ xưa đến nay, thu đến mang theo nỗi buồn thương tịch liêu, cộng thêm biệt ly, nỗi sầu muộn lại càng sâu đậm.
Tông Anh tiếp tục ở lại dinh thự cùng Thanh Huệ và đám trẻ con một đêm, hôm người nhà họ Thịnh phải rời khỏi Thượng Hải, Thanh Huệ đánh thức cô từ sáng sớm.
Thanh Huệ trở mình trằn trọc cả đêm, trời còn chưa sáng đã dậy kiểm kê hành lý – phía trước còn cả chặng đường rất dài, không tiện mang quá nhiều đồ đạc, nhất định phải chọn lọc, nhưng để đồ lại nơi này, không biết chừng mai sau sẽ không gặp lại nữa.
Cuối cùng tính cả đồ dùng cho lũ trẻ, nhét tất cả vào hai va li to, cộng thêm một va li nhỏ xách tay.
Phần lớn người giúp việc trong nhà đã được phát tiền lương rồi cho nghỉ việc, chỉ có chú Diêu ở lại dinh thự trông cửa.
Trước khi đi, chú Diêu gạt nước mắt thay họ gọi xe, vận chuyển hành lý, cuối cùng đưa họ ra cửa, nói: “Tam thiếu gia gọi điện thoại, nói đã chờ ở bến tàu.”
Cả nhà từng người một lên xe, đóng cửa xe, xe khởi động, chậm rãi rời khỏi dinh thự nhà họ Thịnh trên đường Tĩnh An Tự.
Thanh Huệ vén rèm ô tô, nhìn về phía sau qua cánh cửa thủy tinh, chỉ thấy chú Diêu rơi lệ đầy mặt đóng kín cửa sắt, cuối cùng khóa lại.
Trong xe, lũ trẻ mặc dù không biết con đường phía trước có hàm nghĩa ra sao, nhưng sắp phải rời khỏi thành phố quen thuộc, nỗi tò mò về đích đến đều bị cảm giác khủng hoảng khó hiểu bao trùm.
A Lai căng thẳng ôm em trai A Cửu, đám trẻ con nhà anh cả kề bên nhau, không yên lòng xem chung một quyển sách, A Huy – con chị hai – cứ siết chặt quần áo của cha, im lặng, nhận ra câu “muốn ăn bánh ngọt” của mình khiến mẹ không về được nữa, cậu bé cực kỳ sợ hãi, như thể chỉ cần mở miệng sẽ khiến cha biến mất.
Đến bến tàu, Tông Anh rốt cuộc trông thấy Thịnh Thanh Nhượng.
Cô hỏi anh tối qua ngủ ở đâu, anh đáp: “Ở chung cư. Nhưng chẳng biết vì sao không tài nào ngủ được. Giấc ngủ của cô thế nào?”
Tông Anh nói: “Tôi rất ổn.”
Trước mắt có chuyện khẩn yếu, hai người chỉ đủ thời gian nói đôi lời thăm hỏi sức khoẻ như vậy.
Đã qua buổi trưa, mặt trời mùa thu nhô lên cao.
Vì vé tàu khan hiếm, trên bến tàu hết sức hỗn loạn, quân đội khống chế bến tàu, cảnh sát nổ súng duy trì trật tự, nhưng ngày ngày nghe tiếng súng đạn chiến tranh, tác dụng của sự đe nẹt này cũng vô cùng hữu hạn.
Vất vả lắm mới đợi đến lúc lên thuyền, lại bị biển người chen lấn.
Thanh Huệ và lũ trẻ xếp hàng ở cuối cùng, cô ôm A Cửu, Tông Anh thay cô xách va li hành lý.
Chị dâu cả đi đằng trước nhắc nhở Thanh Huệ: “Đi sát với mọi người, để ý hai đứa bé, sắp lên thuyền rồi.”
Đám đông bắt đầu chuyển động, mọi người chen chúc nhau, hướng về cùng một phương hướng, cách thuyền càng ngày càng gần, Thanh Huệ mới cảm nhận rõ ràng một điều – họ sắp rời khỏi đây rồi.
Trường học của cô ở đây, bạn học ở đây, bạn bè ở đây, những điều thân thuộc từ bé đến lớn cũng đều ở đây, cô chỉ biết mỗi Thượng Hải.
Từ khi sinh ra, toàn bộ ký ức của cô chỉ có Thượng Hải làm phông nền.
Trong ca khúc có câu “mười dặm đô thị, nơi có nhiều người nước ngoài ở, cảnh sắc tươi đẹp, à í a, ngồi xe hơi, ở nhà lầu, so với Tô Châu, nơi này càng giống thiên đường”, nhưng Thượng Hải của hiện tại không còn là thiên đường.
Cô xoay người nhìn về phía Tông Anh, trong mắt toát lên vẻ lưu luyến, với Tông Anh, với Thượng Hải.
A Cửu nằm ngủ im lặng trong lòng cô, A Lai theo sát bên cạnh, trước khi lên thuyền, Tông Anh đưa va li hành lý cho Thanh Huệ.
Cô bùi ngùi nói: “Tông tiểu thư, em chưa từng nghĩ rằng có một ngày em sẽ rời khỏi Thượng Hải. Nhưng hiện tại, em thật sự phải đi rồi.”
Trong giọng nói có không đành lòng và cả nỗi lưu luyến sâu đậm.
Tông Anh còn chưa biết phải an ủi cô thế nào, Thanh Huệ đã quay đầu dặn dò đứa trẻ bên cạnh: “A Lai, lấy vé ra, nhớ theo sát chị.”
Nói xong, cô xoay người soát vé lên thuyền, cuối cùng quay lại nhìn Tông Anh, cách bảy tám người, hô: “Chị và anh ba hãy bảo trọng nhé!”
Tông Anh thấy có người chen bên cạnh, lực lượng của đám đông không ngừng đẩy cô về phía trước, nhưng cô sắp mất đi liên hệ với chiếc thuyền này và cả thời đại này nữa, cô chỉ có thể đi ngược đám đông trở về.
Một bàn tay khô ráo ấm áp đột nhiên đưa ra, nắm chặt bàn tay lạnh như băng của cô, ngón tay cái áp lên đốt ngón tay cô.
Tông Anh chỉ nhìn thấy bóng lưng anh.
Thịnh Thanh Nhượng dẫn Tông Anh đi một đoạn đường thật dài, rời xa đám đông ở bến tàu, quay lại dõi mắt trông về phương xa, có thể nhìn thấy con thuyền kia, đường chân trời thấp bé của Thượng Hải cũng nằm trọn trong tầm mắt.
Lúc này Thịnh Thanh Nhượng đột nhiên nhớ tới một bài thơ của tác giả Đỗ Phủ trong sách giáo khoá ngữ văn trung học, trong bài thơ đó, ông viết: “Ngày mai cách trở núi sông, việc đời man mác trong lòng hai ta.”
Thời đại loạn lạc, đường ai nấy đi, không biết ngày nào mới có thể trùng phùng.
Tiễn toàn bộ người thân, Thượng Hải rộng lớn là vậy, dường như chỉ còn lại mình anh.
Trở về dinh thự nhà họ Thịnh trên đường Tĩnh An Tự, chỉ còn lại hai cánh cử sắt đóng chặt và vài cây ngô đồng cao hơn tường rào trong sân – lá cây gần như rụng hết, chạc cây sắc nhọn đâm vào buổi tà dương rực đỏ.
Lúc hai người về chung cư 699 đã đến chạng vạng, quầy phục vụ lặng im thắp một ngọn nến, đồng nghĩa với việc lại cúp điện.
Lên trên lầu, phát hiện bếp gas cũng không dùng được, vòi nước kim loại lại vặn không ra một giọt nước.
Trong chiến tranh, hệ thống công trình phục vụ công cộng sụp đổ, điểm yếu của chung cư thành phố liền lộ ra.
Mượn chút ánh sáng tờ mờ còn sót lại phía chân trời, Tông Anh lục tung cả chạn bát, nhưng chỉ tìm thấy một chai rượu vang và hai hộp đồ hộp.
Cô do dự một lát, cầm rượu vang và đồ hộp ra ban công, đặt chúng lên bàn nhỏ, đang định quay lại tìm dụng cụ mở chai, Thịnh Thanh Nhượng đã đưa tới.
Anh đồng thời đưa cho cô nến và diêm.
Tông Anh mở hộp diêm, bên trong chỉ còn sót lại một que.
Màn trời phủ xuống triệt để, “xoẹt” – Tông Anh quẹt diêm, cẩn thận bước tới thắp sáng bấc đèn, ngọn lửa lẳng lặng cháy lên trong màn đêm, thỉnh thoảng có gió nhẹ, nó liền lay động.
Cùng lúc đó, Thịnh Thanh Nhượng mở bình rượu ra, rót cho cô nửa ly.
Hai chiếc ghế mây đặt song song bên nhau, có thể quan sát một nửa Thượng Hải, thành phố mất điện sa vào bóng tối vắng lặng, tiếng huyên náo và chen chúc ban ngày, tiếng súng và tiếng khóc than trái lại tựa như giấc mơ.
Tông Anh ngửa đầu uống một ngụm rượu, im lặng hồi lâu, nói: “Vụ án của mẹ tôi và cả vụ án ở hầm 723 có lẽ đã có kết quả.”
Thịnh Thanh Nhượng nói: “Hôm trước tôi gặp Tiết tiểu thư, cô ấy đã đề cập qua với tôi về chuyện này, cũng hỏi tình hình của cô, tôi đã thành thật kể cho cô ấy; tối qua còn có một vị luật sư tìm cô, ông ấy gọi vào di động của tôi, hỏi chuyện liên quan đến di chúc, tôi bảo ông ấy liên lạc lại với cô sau.”
Tông Anh rời xa thời đại kia mấy ngày, đêm nay rốt cuộc phải quay về nghênh đón toàn bộ thị phi.
Cô uống cạn rượu còn dư trong cốc, lầu dưới truyền đến tiếng đánh la, trông xuống chỉ thấy một màu đen kịt, không thấy nửa bóng người.
“Sẽ mất điện mất nước trong thời gian dài sao?” Cô đột nhiên hỏi.
“Trước kia chưa từng có, lần này không rõ lắm.” Thịnh Thanh Nhượng nói, “Có điều, nếu trước tám giờ sáng vẫn như vậy, tôi cũng không có cơ hội biết rõ lúc nào có điện.”
“Ý anh là…”
“Hôm qua tôi nhận được thông báo khẩn cấp, tám giờ sáng mai phải rời khỏi Thượng Hải làm một việc.”
Tông Anh ngẩn ra, nhìn về phía Thịnh Thanh Nhượng: “Anh đi bao lâu?”
Thịnh Thanh Nhượng trả lời: “Có lẽ chừng mười ngày, cũng có thể lâu hơn.” Trong giọng nói của anh tràn đầy không xác định, tựa như đi một chặng đường nguy hiểm, cuối cùng, anh ngập ngừng nhìn về phía Tông Anh, nói: “Có lẽ chúng ta sẽ không gặp nhau trong một thời gian rất dài, có lẽ sau khi cuộc phẫu thuật của cô kết thúc, tôi sẽ trở lại.”
Lúc anh nói chuyện, Tông Anh vẫn nhìn anh.
Mượn ánh nến nhìn kỹ mới phát hiện, đầu anh đã mọc thêm vài sợi tóc bạc.
Tông Anh chợt thấy xót xa, ngoảnh đầu nhìn sang nơi khác, đặt ly rượu trống trơn xuống, lần tay vào túi lấy ra một bao thuốc lá.
Cô quyết tâm hút hết hộp này rồi bỏ hẳn, hiện tại trong hộp thuốc lá dúm dó chỉ còn một điếu thuốc.
Khác với hộp Black Devil đen nhánh toàn phần trước đó, hộp thuốc này gần như trắng hết, chỉ in hình chim hoà bình trên dải phân cách màu lam.
Tông Anh kề sát ngọn nến, mượn ngọn lửa đang nhảy múa, châm điếu thuốc cuối cùng này.
Thuốc lá nhanh chóng bùng cháy trong không khí, có mùi mơ xen lẫn mùi bơ, cô cúi đầu mở bao thuốc lá rỗng không kia, mặt trước bao cũng in hình chim bồ câu, trong miệng nó ngậm ba cành ô-liu, hai bên mỗi bên in một từ đơn.
Cô không kìm được đọc từ đơn phía bên phải – “peace” (hòa bình)
Thịnh Thanh Nhượng tiếp lời cô, đọc từ đơn bên trái – “infinity.” (vô tận).
Sông Tô Châu nơi xa vang lên tiếng bom, gió nổi lên.
Ban đêm gió thu mãnh liệt, vô tình dập tắt ngọn nến trắng trên bàn, trong bóng tối chỉ còn điếu thuốc nhấp nháy, sau cùng, ngay cả điếu thuốc cũng cháy hết.
“Peace”, “infinity “.
Hai từ đơn này thật hay.
Nếu không có cuộc chiến này, đâu đến nỗi khiến cả thành phố đều khiếp đảm sợ hãi, đâu khiến ngàn vạn người trôi giạt khắp nơi, đâu còn khiến một người đàn ông trưởng thành bạc tóc trong vòng mấy tháng ngắn ngủi?
Trong bóng đêm khó nhìn rõ mặt người, hơi thở là thứ dễ cảm nhận nhất.
Cả hai không hẹn mà cùng nghiêng đầu, hơi thở đôi bên gần trong gang tấc, cánh môi chạm nhẹ như chuồn chuồn lướt nước, anh vô thức định lảng tránh, Tông Anh lại đưa bàn tay mang hương vị thuốc lá ra, nhẹ nhàng ôm lấy má anh.
Gió đêm vén làn tóc phất lên khuôn mặt đối phương, Tông Anh khẽ hé môi, chia sẻ mùi rượu hòa với vị mơ và bơ cho anh.
Một người sắp quay về hiện đại, đối mặt với sự thật và cuộc phẫu thuật, một người bước lên con đường đầy rẫy nguy hiểm không biết ngày về, ở ban công ngoài trời, trong bóng đêm ngày 6 tháng 10 năm 1937, hai người…
Tiếp tục nụ hôn đã từng bỏ qua kia.