Truyện ma: CÔ HƯỜNG - Chương 3
CHẬP 3:
Đi đánh cá ở cái vực này thì đường về làng ngắn nhất chính là đi qua cái lối gần bãi tha ma đó, nếu ko thì phải đi vòng hơn km đường đê mới có lối đi xuống làng. Mấy lão này gan dạ, toàn cắt ngang chỗ chôn người chết, cá 1 bên, chài lưới 1 bên, giữa là cái đòn gánh trên vai nhún nhảy về làng. Từ ngày nghe tiếng người ru con, rồi có ông còn thấy cả cánh võng đưa kẽo kẹt giữa 2 gốc duối, thì cả đội không ai bảo ai đều biết là ma cô Hường. Họ không dám đi về 1 mình nữa mà toàn đợi cất lưới xong 3-4 ông cùng nhau quẩy cá, quẩy lưới về, thế mà cũng chả thoát được cô.
Đêm ấy quãng 3-4 giờ sáng mấy ông xong việc, nối đuôi nhau đi về, vừa đi vừa hí hửng nay được buổi vớ mẻ cá to, ông nào ông ấy nặng trĩu hai vai. Lúc đi đến gần bụi duối thấy rõ ràng có cái võng đay tanh tưởi, thum thủm thối chầm chậm đong đưa, lúc chập tối đi qua không thấy có. Biết có sự lạ mấy người không cả dámngẩng mặt mà cứ cắm đầu muốn đi thật nhanh để thoát khỏi bãi tha ma, người đi đầu tiên tự dưng thấy cá trong sề rộ lên cười he hé, một bên quang gánh bỗng nhẹ bẫng, bên còn lại nặng như chì, nhấc chân không nổi. Hoảng quá ông ấy vứt luôn cá lẫn lưới phi 1 nhát xuống cái ao bên cạnh, vốn là chỗ khi sang cát người ta mang xương cốt ra rửa ráy lau chùi. Ông thứ hai thấy thế cũng đ.ái cả ra quần, cũng định quẳng gánh chạy mau nhưng cái quang gánh nó cứ dính vào vai ông ấy bập bềnh bập bềnh, ông đằng sau thì rú ầm lên: ối Tác ơi, Tác ơi, cái Hường nó ngồi lên đòn gánh mày kìa. Hô xong ông ấy quỵ luôn xuống, ko đi nổi nữa chắp tay vái như bổ củi, khóc rống cả lên giữa đồng không mông quạnh hoang vu. Ông tên là Tác lúc ấy lấy hết can đảm mở mắt ra nhìn ngang vai thì thấy một bóng người trắng toát, tay bế đứa con ngồi ngay đầu đòn gánh ông ấy. Cái bóng ấy tóc bay phần phật, mặt phẳng như mặt trống, chỉ mỗi cái miệng đỏ lòm như chậu máu đang ngoác ra cười nhăn nhở: cho xin ít cá nấu cháo cho con điiiiii… cho cá nấu cháo điiiiii…. Ông Tác lúc này 7 vía đã tụt mất 3 quỳ xuống vái lấy vái để: Hường ơi …. Hường ơi chú lạy cháu … đừng …. đừng bắt chú để chú còn về nuôi vợ nuôi con. Ông phi xuống ao lúc bấy giờ cũng mò lên, ra xốc nách ông đang khóc bò lết đến chỗ ông Tác đang vái lấy vái để. Cả 3 người khóc ồ ồ giữa đêm khuya. Sau này ba hắn kể lại là lúc bọn hắn khóc lóc dưới bóng ma cô Hường thì bọn quỷ sứ, đầu trâu ở đâu từ hai ngọn cây Duối mò ra quây quanh cười rú lên, rồi con thì nhặt lưới, con thì nhặt cá lẩn vào trong bãi tha ma. Ba lão chẳng ai bảo ai vùng dậy chạy 1 mạch về làng, làng em sáng hôm sau lại xôn xao. Vài thanh niên cứng vía bảo không tin, tự mình ra nghĩa địa kiểm tra, ra đến nơi bố nào bố nấy mặt cũng cắt không còn giọt máu. Lưới thì vẫn còn cắm nguyên ở đầu quang gánh, phía còn lại là dộng cá thì lúc bấy giờ toàn gạch đá với xương trâu xương bò (hoặc xương người), tuyệt chả thấy con cá nào như ba lão Ngư kia khăng khăng thề thốt lúc về làng. Sau bữa ấy cái vực làng em ban ngày thì còn có người lai vãng, ban đên tuyệt chả có bóng nào, ba ông gặp ma đêm ấy về nhà lăn ra ốm lăn ốm lóc, phải mời sư thầy làng bên đến cúng cho mấy ngày liền, lấy rổ chao vía khắp nơi mới dần bình phục. Gần cái bãi tha ma ấy nhất là xóm Đầm, nói gần là gần so với các xóm khác chứ nó cũng cách nhau cả cây số chả ít. Trong xóm ấy có nhà bà Tụy giàu nhất, vì có tận 2 người con làm bên Thương nghiệp huyện, từ thời bao cấp nhà bà Tụy đãthuộc hàng ăn không hết thịt lợn, gan lợn rồi. Bà này có của, lại được hai con cung phụng tốt nên người ngợm đẫy đà, da dẻ hồng hào, mặt núng nính toàn thịt. Bà Tụy thuộc dạng rách giời rơi xuống, đanh đá nanh nọc nhất làng, bà luôn tự hào ngày trước làm thanh niên xung phong đi dọc Trường Sơn, bế không biết bao đồng đội chết trên tay nên bà chẳng sợ gì. Nghe làng đồn ầm lên chuyện cô
Hường quấy quả, bà bĩu môi: toàn thần hồn nát thần tính, làm gì có ma cỏ gì, cái con chửa hoang đấy có giỏi thì hiện hồn về gặp tôi xem, tôi bổ cho cái quốc vào mặt ấy chứ. Rồi bà vuỗi mông, ngúng nguẩy bỏ đi trông như con Hà mã núng nính đang dạo chơi đủng đỉnh.
Từ xóm Đầm ra đến bãi tha ma là 1 con đường đất dài tít tắp, hai bên đường trồng cơ man nào là phi lao cao lênh khênh, bọn em hay thả bò lối ấy, mùa đông nhặt lá phi lao bỏ vào ống bơ nổi lửa lên nướng cua nướng cá tuyệt cú mèo. Nhà bà Tụy nằm chênh chếch con đường ấy, làng có đám ma toàn dừng trước cổng nhà bà trước khi đưa người trên ra đồng. Một đêm tầm khoảng đầu giờ Tý cả xóm bỗng nghe tiếng hai con bò nhà bà Tụy rống lên thảm thiết, chó nhà bà sủa râm ran, gà qué giác loạn cào cào. Con cháu xung quanh vội vàng cầm đèn pin chạy sang thì đập vào mắt họ là 1 cảnh tượng hãi hùng: bà Tụy xõa mãi tóc bạc phơ đứng sững như Từ Hải giữa sân, mồm bà há to, mắt bà trợn ngược, dớt dãi chảy lòng thòng, hai cánh tay còn như huơ về phía trước cứng đơ đơ. Trong chuồng hai con bò hộc máu mồm máu mũi, gếch cổ lên cái toang chuồng chết tự lúc nào, đàn chó thấy người sang thì chạy quẩn rúc vào chân, rên ư ử cứ như vừa gặp hổ vậy.
Con cháu đỡ bà vào nhà, có người biết xem mạch thấy bà còn thoi thóp, họ giã gừng lấy nước đổ vào miệng bà, mấy cô cháu gái thì nặn chân, nặn tay, xoa lưng xoa ngực liên hồi, cả xóm hồi hộp xôn xao. Họ xì xà, xì xầm …. Sáng hôm sau nguồn tin từ xóm Đầm bắn ra, đêm qua xoa bóp đến gần 3h sáng thì bà Tụy tỉnh lại, việc đầu tiên sau khi hoàn hồn là bà ngồi bật dây rú lên: Hường ơi, cô xin, cô xin, tha cho cô đi, cô chưa muốn chết đâu. Mọi người trước đấy vốn cũng đã đoán già đoán non rồi, nhưng đợi đến khi chính cái bà hổ vồ này thốt ra thì cả xóm mới hết bán tín bán nghi: đêm qua cô Hường đã về nhà bà Tụy, bắt đi hai con bò rồi còn dọa cho cái bà lúc nào cũng tự nhận mình cứng vía nhất làng đến chết ngất giữa sân nhà.