Truyện ma: CÔ HƯỜNG - Chương 1
CHẬP I:
Chuyện em sắp kể ra đây liên quan đến bà cô họ của em (bố cô ấy với bố của bố em, là hai anh em ruột), tên cô là Hường. Cô sinh năm 1960, nếu năm nay còn sống thì cô đã 57 tuổi, kể cả tuổi mụ, tiếc thay vì nghiệp quả trái ngang, cô đã tức tưởi ra đi năm 1987, để lại trong dòng họ nhà em nhiều nỗi buồn đau và để lại cho làng xóm nhiều nỗi kinh hoàng mà đến tận bây giờ vẫn còn lưu truyền như một giai thoại ở làng em mỗi lúc rỗi việc nông nhàn hay là lúc trà dư tửu hậu.
Cô Hường lúc trẻ rất xinh và thông minh nhưng vô cùng bướng bỉnh, bọn con trai cùng lứa hầu như sợ cô một phép, nhiều người bị cô cào cho rách cả mặt. Tóc cô dài, đen tuyền, da trắng bóc nhưng bàn tay trông lại rất thô, các ngón như dùi đục, thêm nữa tiếng cười của cô nó the thé, mắt lại buồn buồn. Ông nội em từng nói: cái Hường rồi sẽ ai oán một kiếp người, cái oan cái nghiệp gì nó đầu thai vào nhà ta đây. Ông chú em giận lắm, bảo anh trai là: mang tiếng học cao hiểu rộng, mà nói con cháu toàn những câu gở mồm. Ông nội em chỉ buồn và lặng thinh. Lúc nhỏ cô học thuộc dạng xuất sắc, nhiều lần được tuyên dương toàn trường. Ấy thế mà học hết lớp 7 thì cô em phải nghỉ vì mẹ cô chết đuối. Nói thêm về gia cảnh nhà cô em, nhà có 4 anh chị em, chị cả rồi đến anh trai, chị thứ ba và cô là út. Mẹ mất, chị gái, anh trai đi thoát ly cả, một mình cô và bố cáng đáng việc nhà, ông chú em thì thuộc dạng vô lo vô nghĩ, vụng tính, chỉ biết cắm đầu vào làm, thành ra mọi việc trong nhà cân đong đo đếm, chấm điểm, chấm công với hợp tác xã đều do cô em đảm đương.
Lúc cô đến tuổi cập kê, vì có tiếng sắc sảo giỏi giang nên trong làng trong xã cũng nhiều người đánh tiếng, nhưng lạ một nỗi là ai đến cô cũng chỉ nhõn một câu: không lấy trai vùng này, giời bắt lấy thằng Thổ thằng Mán cơ. Đận ấy có cả mấy mối làm bên Nông nghiệp hay Mậu dịch oách xà lách đến nhà nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời tương tự. Rất khó hiểu. Dần dần chả ai đến hỏi xin cô nữa, vì người ta nghĩ cô bị điên, hoặc nghĩ cô chê mà đuổi khéo. Cứ thế thời gian trôi đi, đến năm cô 22 tuổi, người ta nói ra nói vào, ông chú em cứ hở ra là chửi cô thậm tệ vì cô không chịu lấy chồng, các anh chị em của cô cũng vậy. Chán. Cô bỏ lên Lạng Sơn đi chợ rừng. Rồi bẵng đi 1 thời gian cả nhàchả ai biết cô còn sống hay đã chết, chú em làm bên quân đội, đóng ở Quảng Ninh cũng đã nhiều lần nhờ anh em bên xứ Lạng dò tìm mà cô vẫn bặt vô âm tín. Ai cũng tưởng cô chết rồi.
Đùng 1 cái năm 1987, vào khoảng mùa thu, cô về mang theo cái bụng bầu lùm lùm, ăn mặc như 1 bà người Thổ chính hiệu. Em còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, mẹ em hớn hở khoe: cô Hường về, cô Hường về, lên cô cho kẹo nhanh. Nhà em với nhà ông chú (em ông nội em) cách nhau từ xóm giữa cho đến xóm ngoài. Em quần thủng đít, cởi trần chạy bật cả móng chân vào xin kẹo cô, vì mẹ em kể lúc cô còn ở nhà thì hay bế em lắm, em thì chả biết mặt mũi cô ra sao vì lúc cô đi em còn quá nhỏ.
Lên đến nhà cô thấy cả nhà đầy người, cười nói râm ran, có cả tiếng khóc sụt sịt nữa. Em lẻn vào trong thấy một cô ăn mặc lạ đời (sau này em mới biết là quần áo của dân thổ mán), mồm nhai trầu đỏ tươi đang ngồi trên chiếu huơ tay múa chân hào hứng lắm, xung quanh là các bà lớn tuổi cứ mắt tròn mắt dẹt i ô. Thấy em phát cô đứng phắt dậy xốc nách thằng cháu lên cười the thé: hé hé hé hé … thằng đẻ khó đây rồi, lớn thế rồi cơ à, rồi cô thơm túi bụi vào mặt em, đến nỗi má em chi chít vết son trầu. Em lúc ấy có biết gì đâu, chưa cần cô cho kẹo đã nhoài người túm luôn mấy cái kẹo dồi ở chiếu rồi trườn ra ngoài lỉnh mất, bỏ lại đám đông lao xao sau lưng.
Sau đấy 1 thời gian em cũng chả lên nhà cô nữa, vì hồi ấy em bắt đầu đi học rồi, đánh khăng, thả diều, tập bơi còn vui gấp nhiều lần như thế. Nhưng mà cứ tối đi ngủ là em hay nghe loáng thoáng bố mẹ em nói chuyện: cái Hường trái tính lắm, cái Hường nói gở lắm, cái Hường khóc nhiều … Em cũng chả quan tâm, lơ mơ tí rồi ngủ tít. Sau này lớn hơn chút nữa, nghe mẹ em kể lại mới biết là cô Hường dạo ấy về nhà toàn nói chết, nói sống, biểu hiện lạ kỳ. Đại khái cô cứ nửa đêm là ra gốc sấu trước nhà ngồi khóc sụt sịt không ai dỗ được, giữa trưa thì cô cứ nhảy tưng tưng trước ban thờ rồi dập đầu côm cốp xuống nền gạch kêu tổ tiên cứu vớt … Cô còn lấy dao định mổ bụng mình ra, may bà chị dâu ngăn kịp, cô bảo: mổ nó ra, ném nó đi, nó là cái ma xó ma gà theo em từ trên Thổ về để giết em đấy. Bà chị dâu chửi um: mày dở à, ai lại đi giết con. Quãng chừng 3 tháng sau thì cô em chết thật, lúc ấy giữa trưa, em vửa đi học vệ thì thấy mẹ em khóc hu hu, bà nhấc nồi cám ra đổ vào máng cho đàn lợn sề rồigạt nước mắt nghẹn ngào: cô Hường hết rồi. Em lịm hết cả người vì sợ nhưng bản tính tò mò nên quăng cái xà cột vào trong nhà rồi phi lên nhà cô ngay tức khắc. Tới nơi thấy cả nhà xúm đen xúm đỏ quanh cái giường buông màn vải xô màu cháo lòng. Em le te phi vào vạch màn ra và tí nữa thì chết ngất: mắt mũi, mồm, miệng, tai cô đầy những máu, hai mắt cô vẫn mở trừng trừng, mồm thì ngậm chặt, méo giật về một bên như là bị kinh phong vậy. Em sợ quá khóc ré lên rồi có ai đó nhấc bổng em lên và mắng: trẻ con đi ra ngoài, biết gì, khóc nước mắt dây vào cô à. Em té về nhà ông nội, phi lên giường đắp chăn run như nhái quật. Đám ma cô, đến bây giờ làng em vẫn kháo nhau là lạ kỳ nhất từ trước tới nay. Nội cái chuyện khiêng quan tài từ trong nhà ra xe tang cũng ba bốn lần cả đám trai tráng phải quỵ xuống vì quá nặng. Mà có gì đâu, mỗi xác cô với cái áo quan gỗ tạp. Mỗi lần như thế lại phải đốt giấy vàng khấn vái thì tự nhiên nó lại nhẹ bẫng lên để cho mình khiêng đi. Trên đường ra bãi tha ma, xe tang đến mười mấy người đẩy mà cũng còn chật vật, dừng đi dừng lại không đi nổi, lại phải vàng mã liên hồi.