Tiệc Báo Thù - Chương 43
Ra khỏi trung tâm chỉ huy, Na Lan đứng trên đại lộ phồn hoa của Giang Kinh, lòng tràn ngập bâng khuâng. Câu nói của Ba Du Sinh khiến cảm giác rối bời sau bao sự việc hỗn loạn của mấy ngày qua lúc này lại đồng thời ập về, khiến bước chân cô trĩu nặng.
Quyết định khi ở đại sảnh Tiêu Tương, có đúng đắn không?
Nếu cứ để mọi sự việc xảy ra như nó nên xảy ra, mình đừng can thiệp, thì cuối cùng có giảm bớt được số người chết không? Có khiến ranh giới giữa thiện và ác bớt mơ hồ không?
“Chị Na Lan, đi uống trà một lát được không?”
Na Lan thẫn thờ ngoảnh sang: một cô gái cũng mặc áo phông quần bò như cô, làn da trắng trẻo, sắc mặt có nét u buồn. Ngu Uyển Chân.
Cả hai vào quán trà gần đó. Chân gọi trà sữa, Na Lan gọi hồng trà. Có đến hai phút, cả hai cùng im lặng ngồi nhấp trà.
Rồi Chân mở đầu, “Nghe anh tôi nói, chị đã biết cả rồi?”
“Anh cô?” Na Lan hỏi, rồi cô nhận ra sáng nay đầu óc mình hơi chậm chạp. “Đới Thế Vĩnh? Sao cô gọi anh ấy là anh?”
Ngu Uyển Chân hơi đỏ mặt, “Vẫn quen gọi thế. Với ý là thân nhau như anh em.”
“Hai người quen nhau bao lâu rồi? Đới Thế Vĩnh cứ không muốn trả lời câu hỏi này, chắc là vì ghét tôi tọc mạch?”
Chân mỉm cười, “Có lẽ là vì bị chị nói trúng nên anh ấy ngớ ra đó thôi.”
“Anh ấy không có vẻ là người hay ngớ ra.”
“Cho nên, khi đã ngớ ra thì rất thộn.” Chân cúi xuống nhấp trà, ánh mắt chứa chan tình cảm. “Chúng tôi quen nhau từ nhỏ.”
“Ở Tây An?”
“Không! Ở Dương Quan.”
“Dương Quan.” Na Lan trầm ngâm. “Cái tên này nghe quen quen.”
“Là nơi Đới Hướng Dương phất lên: mỏ than, nhà máy xi măng, nhà máy phân bón hóa học… đều bắt đầu từ Dương Quan. Một ông bí thư huyện ủy Dương Quan ngày trước từng nói: Đới Hướng Dương đã vực dậy cả một vùng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người.” Chân thở dài.
“Tôi cứ tưởng Đới Thế Vĩnh là người Tây An, cả cô cũng thế.”
“Đó là về sau này. Anh tôi vốn là người gốc Giang Kinh, tôi là người Giang Tô. Chúng tôi vốn không định đến Dương Quan, cha mẹ chúng tôi cũng thế.”
Na Lan cảm thấy nặng nề. Cô thăm dò, “Là vùng nào ở Giang Tô?”
“Tôi không biết.” Đôi mắt Chân rơm rớm. “Anh tôi và cả tôi cũng vậy, việc đầu tiên họ làm với chúng tôi là tẩy não, xóa bỏ mọi ký ức của chúng tôi về cha mẹ, gia đình, bè bạn, quên đi họ tên vốn có của mình, họ đặt cho chúng tôi tên mới, kể từ đó chúng tôi chỉ được dùng họ tên giả, hễ lỡ mồm là bị đánh đập. Anh tôi… từ bé đã khác người, luôn khôn ngoan thận trọng, anh dùng gai hoa hồng khắc tên thật của mình lên lòng bàn tay, dùng than củi viết tên cha mẹ lên lớp vải lót trong áo, thỉnh thoảng nhìn để khỏi quên. Kể cũng thú vị, xem ra, tôi là người bị tẩy não thành công đến nỗi quên hết mọi chuyện. Tôi còn nhớ, khi bị đưa đi, anh nhắn nhủ tôi: em đừng sợ, sau này anh nhất định tìm thấy em, cứu em đưa về nhà.” Chân mỉm cười, đắng cay xen lẫn ngọt ngào.
Na Lan hỏi, “Khi bị bắt cóc, hai người bao nhiêu tuổi?”
“Tôi lên 7, anh tôi lên 9.” Chân thở dài. “Cô không biết đâu, hồi bé tôi được sắm vai con trai, không bao giờ mặc váy, không nuôi tóc dài, cha mẹ còn cắt tóc ngắn cho tôi… Bởi thế tôi bị bọn người kia bắt nhầm! Khi phát hiện ra tôi là con gái, chúng không trả về được, mà tiếp tục đưa tôi đến Dương Quan. Đến nơi, anh tôi và mấy đứa trẻ khác bị đưa vào nhà máy xi măng của Đới Hướng Dương làm việc… Hồi đó có đến năm sáu chục trẻ em bị bắt. Như anh tôi kể thì già nửa số đó mất mạng hoặc tàn phế trước tuổi 15. Còn tôi, bọn họ đem bán cho người ở Dương Quan. Thị trường lao động cũng cần trẻ em gái, nhưng còn hướng khác là bán cho người ta nuôi làm con dâu tương lai, bán cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, hoặc bán cho các nhà chứa. Khả năng thứ ba không nhiều, vì tôi nhỏ quá, hiếm tú bà nào đầu tư sớm như vậy. Số phận tôi rơi vào khả năng thứ hai, tôi bị bán cho một nữ diễn viên đoàn văn công huyện, bà ấy đơn thân, tuổi ngoài ba mươi, muốn có đứa con gái kiêm giúp việc và cũng có ý trông cậy nó khi mình về già. Bà ấy có quan hệ tốt ở huyện, dễ dàng làm hộ khẩu chính thức cho tôi, đối xử với tôi cũng tốt, cho tôi đi học…”
Ngu Uyển Chân bỗng ngừng lại, ngây người. Lát sau mới nói, “Về anh tôi…” Dường như cô phải lựa chọn từ ngữ một cách khó khăn. “Tháng ngày gian khổ của các anh ấy, đôi khi tôi cũng được nghe thuật lại vài điều nhưng vẫn không sao hình dung nổi, hoặc nên nói là thê thảm quá sức tưởng tượng. Hằng ngày họ phải làm quần quật hơn mười lăm tiếng đồng hồ, ăn không bằng hành khất, ngủ trong nhà di động hoặc lán trại lợp tôn, mùa đông không được sưởi mùa hè không có quạt. Để ngăn ngừa việc bỏ trốn, đêm xuống đốc công thu hết giày dép của họ, nơi ngủ không có cửa sổ, chỉ có một cửa ra vào luôn đặt một người và hai con chó mực canh gác. Nếu trong đám nhân công có ai mắc bệnh truyền nhiễm thì lây lan rất nhanh sang vô số người khác. Anh tôi, ngay từ đầu đã tính đến chuyện bỏ trốn nên luôn có ý thức rèn luyện thể lực, ngủ trong lán cũng ngồi lên nằm xuống, lật mình qua lại, chống tay… vì biết rằng sức vóc kém thì không thể nào đi xa được. Anh ấy rút ra bài học từ những người đi trước, đã bỏ trốn là không được phép thất bại, bị bắt trở lại thì chỉ còn nước chết. Bởi luôn lo nghĩ cho xác suất thành công, anh vạch kế hoạch rất cẩn thận rồi từ từ chờ thời cơ. Thấy ai kiệt sức rồi chết, anh đều lén lấy đôi giày giấu đi, để dành khi chạy trốn sẽ dùng. Đôi khi cũng có ý sưu tầm gậy gộc để làm vũ khí phòng thân, nhìn thấy cái đinh rơi cũng thu nhặt, ban đêm đem ra mài nhọn. Những người như anh ấy đều luôn thiếu dinh dưỡng, hằng ngày lại phải làm việc nặng nhọc nên chẳng còn mấy nã sức mà suy nghĩ, mà nhớ, mà vạch kế hoạch. Chờ thời như thế suốt ba năm trời, đến năm 12 tuổi, anh hiểu rằng cứ tiếp tục sống thế này thì sẽ biến thành kẻ ngu ngơ không còn đầu óc rồi bỏ mạng ở đó. Cho nên anh ấy quyết định mạo hiểm, gậy gộc và đinh sắt đều phát huy tác dụng, anh đã trốn thoát thành công, cùng hai cậu thiếu niên nữa.”
Na Lan hỏi, “Bốc Lập Quần và Cảnh Lộ?”
“Đúng! Họ hơn anh tôi ba bốn tuổi nhưng đều rất nghe lời anh. Sau cuộc chạy trốn, họ nhận ra anh tôi là con người khác thường. Anh cũng vẫn nhớ lời hứa năm xưa, và tìm thấy tôi. Lúc mới trốn ra khỏi nhà máy xi măng, họ không dám nán lại Dương Quan, nhưng nên đi đâu? Anh tôi nói: ở đâu đông người thì chúng ta đến đó. Trong ba năm trời làm ở nhà máy xi măng, họ tìm hiểu và biết rằng Dương Quan thuộc tỉnh Thiểm Tây, nơi nào ở Thiểm Tây đông người nhất? Là thành phố Tây An. Cả ba bèn đi ra gần ga tàu hỏa để tìm cách bám xe ô tô. Sau vài lần quan sát, họ cũng đu bám đúng một xe tải đi Tây An, nhưng không vào thành phố mà nhảy xuống xe ở khu Lâm Đồng. Anh tôi nói: nơi đông người thì chúng ta dễ ẩn náu nhưng cũng lắm kẻ xấu, lắm lưu manh, ba thằng chúng ta lạ nước lạ cái sẽ bị chúng bắt nạt, nên đến một nơi nhỏ vừa phải. Thật ra anh cũng không biết Lâm Đồng lớn nhỏ đến đâu, chỉ cảm giác thế thôi. Đến Lâm Đồng, họ phát hiện ra đầy rẫy kẻ xấu, rồi bị chúng hà hiếp. Bởi vậy anh tôi quyết định, phải kết thúc cuộc sống lang thang. Một hôm cả ba đói lả, nhìn thấy quà bánh dọc đường mà thèm rõ dãi, bắt gặp một nhà hàng nho nhỏ treo biển ‘Thịt dê Bồ Thành chính cống’, lại càng thèm muốn chết! Cửa hiệu treo lá cờ đề hai chữ ‘Đới Ký’. Anh tôi hỏi: họ Đới, nghe có vẻ quen quen? Bốc Lập Quần nói: là họ của ông chủ nhà máy xi măng! Chắc ngày trước mày đã nhìn thấy trên các biểu ngữ, ví dụ ‘Hoan nghênh giám đốc Đới…’ chẳng hạn. Anh tôi nói: hay là bọn mình chọn nhà này? Rồi anh bước vào, gặp chủ hiệu nói rằng ba chúng cháu sẵn sàng làm việc không công, chỉ cần bác cho bọn cháu ăn ngày ba bữa. Thật ra lúc đó trông anh tôi chẳng khác gì kẻ ăn mày, nếu ông chủ họ Đới không có thiện tâm thì chắc ông sẽ tống cổ ra ngoài ngay. Ông nói: chỗ bác tạm thời chưa cần người làm, bác sẽ cho cháu bát thịt dê nhừ, ăn xong thì sang hiệu khác hỏi xin việc xem sao. Anh tôi không buồn, luôn miệng cảm ơn rối rít, không ăn mà bưng bát thịt ra ngoài. Ông chủ Đới lấy làm lạ bèn đi theo, trông thấy anh tôi đưa bát cho Bốc Lập Quần và Cảnh Lộ ăn, còn mình thì đứng bên cạnh. Chắc ông chủ Đới cho rằng anh tôi có nhân cách tạm được, bèn cân nhắc lại, ông đang có dự định mở rộng kinh doanh, bán thêm nhiều món mỳ, bánh hấp, bánh bột, bánh bao Bồ Thành gì đó… Nếu mấy đứa trẻ này chịu khó làm thì tại sao mình lại không vui lòng đón nhận? Và thế là anh tôi, một cậu bé con lang thang, đã trở thành nhân viên của nhà hàng ‘Các món điểm tâm Bồ Thành – Đới Ký’. Vợ chồng ông chủ Đới độ tuổi trung niên chưa có con, nên hai năm sau họ nhận anh tôi là con nuôi, cho mang họ Đới và đặt tên theo quy tắc của gia tộc, anh tôi trở thành Đới Thế Vĩnh. Ông bà ấy còn về quê Bồ Thành làm chứng minh thư cho anh tôi nữa. Cảnh Lộ và Bốc Lập Quần cũng học theo anh tôi, xin làm không công cho người ta, tuy không được thu nhận như anh tôi nhưng cũng khỏi phải lo miếng cơm manh áo. Một năm nữa trôi qua, anh tôi cảm thấy thời cơ đã chín muồi bèn xin vợ chồng ông Đới cho phép nghỉ mấy hôm, trở về Dương Quan và tìm thấy tôi.”
Na Lan nói, “Cô và Đới Thế Vĩnh thực có duyên với nhau. Rất có thể anh ấy không thể tìm ra, và rất có thể cô đã bị bán đi một vùng khác.”
“Chắc là số tôi gặp may.” Chân gượng cười. “Chỉ tiếc rằng ký ức thời thơ ấu, các chữ khắc trong lòng bàn tay anh ấy đã biến mất bởi những ngày tẩy não và lao động khổ sai, kể cả họ tên cha mẹ viết trong lưng áo cũng nhạt nhòa. Thậm chí anh quên cả quê cũ của mình ở Giang Kinh. Anh tập trung chú ý cho sinh tồn và dồn sức lực giúp cha mẹ nuôi kinh doanh. Hiệu ăn Bồ Thành – Đới Ký ngày càng phát đạt, anh tôi gợi ý ông chủ Đới mở thêm cửa hàng ở Tây An. Thoạt đầu cũng hơi gian nan nhưng rồi vẫn thành công, gia đình sống sung túc khá giả, họ còn mua được hai ngôi nhà ở Tây An. Nhưng đầu óc anh tôi không dừng ở đó, không bằng lòng với việc kinh doanh hàng ăn, kể cả phát triển thành chuỗi nhà hàng Bồ Thành – Đới Ký khắp toàn quốc. Anh muốn có sự nghiệp riêng của mình, cho nên anh từ biệt vợ chồng ông chủ Đới… Họ khóc lên khóc xuống, cố níu kéo anh tôi ở lại, nhưng anh nói: ông bà là ân nhân của con, con xin hứa sẽ chăm sóc ông bà khi về già, nhưng hãy cho con vài năm để con thực hiện nguyện vọng của mình. Anh không nói rõ, nhưng chắc họ cũng đã đoán ra, nguyện vọng đầu tiên của anh là về Giang Kinh tìm cha mẹ đẻ. Anh vốn đã quên mình đến từ Giang Kinh, nhưng một lần ngẫu nhiên xem ti vi, nhìn thấy hồ Chiêu Dương, đảo Hồ Tâm, thì anh bỗng nhớ ra những cảnh tượng quen thuộc hồi nhỏ.”
Na Lan thầm nghĩ, nhìn từ góc độ ký ức học, sẽ thấy rằng ký ức ấu thơ tuy đã bị mất nhưng vẫn có khả năng phục hồi vì các tín hiệu không bị xóa đi triệt để, chúng chỉ “tạm ngủ đông”, khi gặp một nhân tố kích thích nào đó chúng sẽ “tỉnh lại”.
“Anh tôi đến Giang Kinh. Bốc Lập Quần và Cảnh Lộ cũng đi theo. Tình cảm giữa ba người không chỉ đơn giản là ‘tình anh em’ mà còn hơn thế rất nhiều.”
Na Lan nở nụ cười rất tươi.
“Sao?” Ngu Uyển Chân hỏi.
“Tôi đang nghĩ rằng, giữa cô và Đới Thế Vĩnh cũng không chỉ đơn giản là tình anh em hoặc tình yêu nữa!”
Chân mỉm cười, “Đúng là như thế.”
“Tôi không hình dung nổi, Giang Kinh rộng lớn thế này, Đới Thế Vĩnh tìm cha mẹ bằng cách nào được?”
“Anh ấy nhớ rằng chữ Hán ghi họ của mình có một chữ ‘khẩu’, nhưng cụ thể là họ nào, họ Diệp hay họ Hà… thì không nhớ. Cho nên lúc đầu anh ấy bế tắc, không biết tìm cha mẹ ra sao trong thành phố rộng lớn. Hàng năm đều có rất nhiều trẻ em bị bắt cóc, thất lạc, bỏ nhà ra đi… thực khó tìm hiểu về những đứa trẻ thất lạc hàng chục năm trước. Anh ấy đến hỏi Sở Công an, nhưng ngày trước chưa có mạng internet, sổ sách ghi chép các vụ việc lại không đầy đủ, cũng không ai giúp anh ấy lật giở từng trang hồ sơ năm xưa được, công an các quận tuy đều có hồ sơ lưu trữ, nhưng giả sử mở ra xem lại toàn bộ thì cũng không thể biết anh ấy là con cái nhà ai mất tích. Anh tôi vừa làm vừa đi khắp Giang Kinh, hy vọng nhìn thấy một ngôi nhà, góc phố nào đó khơi lại ký ức ấu thơ, song đều vô vọng. Có lẽ ông trời rủ lòng thương, một hôm anh ấy vào thư viện thành phố giở các tập báo cũ ra đọc, thì nhận ra ảnh của mình! Chuyện là sau khi anh mất tích, cha mẹ đã cất công đi tìm khắp nơi, họ còn lập ra một liên minh tìm con thất lạc, được giới truyền thông ủng hộ hết lòng. Báo cũng đăng ảnh cha mẹ anh, anh tôi cảm động rớt nước mắt. Rồi anh nhớ ra hình dáng cha mẹ và những ngày ấu thơ của mình. Kể từ đó anh biết mình họ Lã. Lã Hân Bằng. Anh nhanh chóng tìm thấy cha mẹ đẻ, tiếc rằng sau khi anh bị bắt cóc, bà mẹ ốm nặng, thể lực suy kiệt dần, rồi qua đời cách đây tám năm vì bệnh ung thư tuyến sữa. Cha anh cũng không được khỏe. Hai cha con gặp nhau, vui mừng khôn xiết.” Uyển Chân lau nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc.
Na Lan hỏi, “Cô còn chưa kể anh ấy đã tìm thấy cô như thế nào… cứu cô ra sao… À, nếu gia đình mới của cô ổn thỏa cả thì không nên dùng chữ ‘cứu’.” Na Lan cảm thấy mình nói mấy câu này hơi quá, khiến cả hai đều cụt hứng.
Ngu Uyển Chân hơi do dự, sắc mặt dần nặng nề, cô nói, “Có cần tôi phải kể ra không?”
“Tùy cô. Chúng ta chỉ đang uống trà trò chuyện thôi mà!”
Ngu Uyển Chân nghĩ ngợi, rồi nói, “Nếu chị thấy hứng thú thì nên về Dương Quan nghe ngóng, sẽ biết thêm rất nhiều điều.”
“Tôi hứng thú nhưng chỉ e không có thời gian và sức lực. Nếu cô vui lòng cho biết, tôi lại xin dành thời gian để cùng cô uống trà.”
Ngu Uyển Chân tủm tỉm, rồi gượng cười, “Nữ diễn viên ở đoàn văn công huyện đã nhận nuôi tôi. Bà không hề ngược đãi tôi, tôi cũng thấy ổn thỏa. Bà ấy… ham vui chơi, chắc cô hiểu ý tôi… bà hơi tùy tiện trong chuyện trai gái. Thật ra cũng không sao, về sau tôi cũng quen, cho là bình thường. Rồi bà và Đới Hướng Dương quen nhau, chỉ là một trong hàng tá đàn ông của bà, ông ấy là trụ cột kinh tế của Dương Quan, bấy giờ chưa lấy vợ, ham muốn sinh lý cũng là lẽ tự nhiên. Có điều, ông ấy còn có nhu cầu sinh lý không bình thường.”
Ngu Uyển Chân không nói tiếp nữa, chỉ nhìn Na Lan.
Bàn tay Na Lan run run.
“Chị nhớ Đới Hướng Dương từng mở trại mồ côi ở Dương Quan chứ? Vì thế còn có danh hiệu ‘Đới từ thiện’. Cô nhi viện mở được ba bốn năm thì bị một trận hỏa hoạn san thành bình địa, đám trẻ mồ côi được cư dân và chính quyền địa phương đón đi. Có tin đồn rằng một giáo viên trong cô nhi viện đã phóng hỏa, vì thế người giáo viên ấy bị đẩy đi xa Dương Quan, 90% trẻ mồ côi là con gái, đám con trai đương nhiên có thể đến cô nhi viện cao cấp hơn, đến nhà máy xi măng hoặc xưởng sản xuất phân bón hóa học. Tuy nhiên, hiếm khi thấy cô nhi viện có tỷ lệ con gái cao như thế, tại sao, chị đoán thử xem?”
Na Lan cảm thấy ngụm hồng trà vừa nhấp có vị đăng đắng trong miệng. Cô khẽ nói, “Do nhu cầu sinh lý không bình thường của nhà từ thiện họ Đới?”
Ngu Uyển Chân gật đầu, “Thế thôi nhé, chị Na Lan, tôi đã nói tương đối rồi. Để lần sau sẽ nói thêm, được không?”
Na Lan ngăn lại, “Tôi còn có một câu hỏi rất dễ trả lời. Hôm ở bệnh viện, lúc tôi đang hôn mê, anh cô làm ‘liên lạc viên’ dặn dò mọi người trả lời ra sao khi cảnh sát ghi bút lục?”
“Anh ấy và tôi cùng làm. Chúng tôi chỉ bị thương nhẹ, nên tận dụng các lúc thăm hỏi, lúc đi nhà vệ sinh… dặn dò họ cách trả lời. May sao, chỉ cần ‘học thuộc lòng’ những gì xảy ra ở giai đoạn sau vụ nổ mà thôi, và cũng rất may vì mọi người đều tỏ ra hợp tác, kể cả gã rắc rối nhất là Lương Tiểu Đồng.”
Na Lan gật đầu, “Lương Tiểu Đồng muốn bịt kín câu chuyện xấu xa ngày trước của mình, cho nên chắc chắn anh ta sẽ hợp tác ngay từ đầu. Còn người mặc đồng phục cảnh sát vào hỏi bác sĩ về bệnh tình của tôi là ai?”
“Là Bốc Lập Quần. Vì cô hôn mê quá lâu, anh tôi rất lo cô tỉnh lại sẽ bị cảnh sát đưa đi để ghi bút lục, cho nên anh ấy bảo Bốc Lập Quần và Cảnh Lộ thỉnh thoảng lảng vảng quan sát, nếu thấy cô tỉnh lại thì cho cô biết nội dung mà chúng tôi đã bịa ra.”
“Bịa chuyện trong tình thế gấp gáp thì dễ có nhiều sơ hở… hai người cũng vất vả đấy!”
Ngu Uyển Chân mỉm cười. Cô mở túi xách lấy ra ba cái hộp nhỏ bằng quân bài tú lơ khơ, buộc dây chun, đưa cho Na Lan. “Bác Tường nhờ tôi chuyển thứ này cho cô. Bác ấy đã đi rồi.”
“Đi rồi? Từ bao giờ? Đi đâu?”
“Sáng sớm nay. Bác ấy nói sẽ đi Thành Đô hoặc Thâm Quyến, nhưng tôi đoán chắc bác ấy lại đi nước ngoài, khả năng lớn nhất là đi Nam Mỹ hoặc châu Âu, tuy nhiên vẫn phải chờ visa.”
“Cái gì đây?” Na Lan nhận ra các cuốn băng hình 8mm.
“Bác ấy nói cô thích xem các băng camera giám sát, biết đâu những thứ này sẽ giúp ích gì đó.”
Na Lan gượng cười, “Tôi có cái ‘thị hiếu tối tăm’ ấy từ khi nào thế nhỉ?” Cô thấy bên ngoài hộp băng đính mẩu giấy “Khách sạn Hoài Du ngày 3 tháng Hai năm 2003, 17:00-18:30”, cuốn băng thứ hai dài 90 phút, đến 20:00. Cuốn băng thứ ba bắt đầu từ 23:00. Chỉ thiếu băng ghi từ 20:00 đến 23:00. Năm ấy Viên Mạn Phương rơi từ tầng cao xuống đất khoảng 20:07 ngày mồng 3 Tết. Băng ghi hình thời gian đó bị công an huyện đem về tìm chứng cứ, sau đó “bị mất” một cách bí hiểm, gây ra trở ngại lớn đối với quá trình điều tra cái chết của Viên Mạn Phương. Chắc Lý Vạn Tường đã phải tốn nhiều công sức khơi thông các mối quan hệ để có được bản sao này.
“Bác ấy không cần nữa à?” Na Lan hỏi.
“Bác ấy nói mình đã xem vài trăm lần rồi nhưng vẫn không nhìn ra vấn đề gì, thậm chí đã nhờ cảnh sát hình sự ở địa phương khác xem giúp, cũng không có kết quả.”
Na Lan gật đầu, “Lúc rỗi, tôi nhất định sẽ xem, nhưng e rằng hy vọng không lớn.”