Nhục Hồng Ngải - Chương 13: Trì hoãn
“Thầy bảo gì cơ ạ? Quay về đâu cơ?”
“Quay lại bản đi. Không thì nguy hiểm lắm…”
“Nhưng xe của tôi đang bị xịt lốp rồi. Muốn đi muốn về cũng không được. Thầy có thể qua giúp không?” Bách khẩn nài. Trời đang ngả dần về đêm chỉ trong khoảng chưa đầy 2 tiếng nữa.
Mưa rơi xuống như trút nước. Bách luống cuống lấy chiếc áo mưa cũ trong cốp ra để mặc, đứng chờ dưới trời mưa. Con đường đèo vắng lặng, chỉ còn vài km nữa là xuống tới thành phố, vậy mà anh lại xui xẻo thế này. Anh cảm thấy mình khổ sở hơn bao giờ hết.
Cơn mưa thác đổ dội xuống con đường đèo trơn trượt. Anh đứng giữa trời mưa trắng xóa, bần thần đau khổ giữa đi và ở. Cảnh tượng này khiến anh nhớ lại 8 năm về trước, anh cũng đứng giữa những sự giằng xé đau đớn đến khốn cùng.
Ngày đó là lần thứ hai, anh đưa Dương về gặp bố mẹ, xin phép cho anh và Dương được đi đến hôn nhân.
Không khí trong gia đình hôm đó nặng nề đến không tưởng. Anh vừa vui vẻ dẫn Dương vào phòng khách, bố anh đã đứng dậy đi vào nhà trong. Mẹ anh lúi húi quét dọn lại bàn thờ, không thèm để ý tới sự có mặt của anh và Dương, không đáp lại câu chào của cô.
Anh ái ngại, bèn vội vàng rót trà ra cốc, bảo Dương ngồi rồi lại gần kéo mẹ ngồi xuống. Mặt bà lạnh tanh.
Bách bối rối nói chuyện vui vẻ với mẹ, với Dương, bà cũng chỉ đáp lại vài câu. Sau một hồi, Bách vào thẳng vấn đề, bày tỏ mong muốn được kết hôn với Dương. Bà Mừng ngẫm nghĩ rồi nói:
“Không…mẹ nhất quyết không đồng ý. Con đưa bạn về đi.” Bà Mừng đặt nhẹ chén trà xuống bàn nước trong phòng khách, nói giọng nhẹ tênh.
Anh chết điếng người. Anh nhìn sang bên cạnh cũng thấy Dương mở to đôi mắt bần thần trước thông tin vừa nghe được.
“Sao..sao lại thế mẹ? Lần trước mẹ đâu có thế này.” Bách nói.
“Lần này mẹ đã suy nghĩ kĩ rồi. Không là không.”
Dương im lặng, sau đó mới run run cất tiếng: “Bác..cháu có thể biết lí do được không ạ? Hay là lần trước cháu đã làm gì có lỗi khiến bác hiểu nhầm? Bác có thể nói để cho cháu giải thích được không ạ?”
“Không có gì cả. Do cháu không thích hợp với gia đình cô và Bách. Mong cháu tìm được người đàn ông tốt sau này, phù hợp với cháu.” Bà Mừng thẳng thừng.
“Mẹ! Sao mẹ cứ nói như thế?”. Bách bực mình vì sự thô lỗ của bà Mừng. “Có gì mẹ cứ nói với con, sao cứ nhất thiết phải như vậy?”
“Con cứ biết thế đi, giờ đưa bạn về. Sau này mẹ không muốn nói nhiều nữa…”
“Bác không thể không cho cháu biết lý do được. Cháu cũng muốn biết tại sao…”. Dương cố gắng nói với mẹ Bách.
Bà đứng dậy, không nói năng thêm gì, tính đi vào phòng trong, để lại Bách và Dương ngồi ở đó. Bách cũng đứng bật dậy theo, anh níu lấy tay bà:
“Mẹ…mẹ đừng như thế. Không thể nào không có lí do gì mà mẹ như thế này được. Mẹ phải nói cho con biết chứ. Dương học hành tử tế, gia đình gia giáo, bọn con yêu nhau thật lòng, tại sao mẹ lại như thế chứ?”
“Như thế sẽ tốt cho con hơn. Mẹ không bảo Dương không tốt, chỉ là không thích hợp với nhà mình thôi. Con cũng sẽ có cơ hội khác tốt hơn.”
Nói xong bà đi vào phòng. Để lại anh đứng cạnh Dương chết lặng.
Lần ấy về, Dương không khóc, cô chỉ buồn. Bách cố gắng an ủi cô, anh quyết tâm sẽ thuyết phục mẹ của mình.
Những ngày tháng sau đó, Bách đều cố gắng nói nhẹ nhàng với mẹ, nói tốt về Dương cho bà Mừng nghe, thế nhưng bà vẫn 1 mực gạt đi, không chịu nói lý do. Anh vô cùng bực bội nhưng không biết làm cách nào khác. Anh không thể hỗn láo với mẹ. Anh chỉ biết cách đưa Dương về nhà thật nhiều để mọi người quý mến con người cô. Anh tin vào sự lựa chọn của mình.
Dương cũng rất cố gắng, cô vẫn kiên trì theo anh về nhà để giúp đỡ, một tháng đôi lần, làm thân với mọi người mặc cho sự lạnh nhạt của mẹ anh. Bà luôn tìm cách tránh mặt Dương. Bố anh mỗi lần đáp lại Dương đều bị mẹ anh lườm nguýt khiến ông cũng ái ngại.
Đỉnh điểm của cuộc xung đột diễn ra vài tháng sau lần mẹ anh từ chối Dương. Hôm đó cũng là một ngày mưa như trút nước thế này.
Dương lúi húi dưới bếp, mang đĩa lên để gọt hoa quả bày biện sau bữa ăn. Mẹ anh từ nhà họ hàng đi về, nhìn thấy cô thì nhăn mặt khó chịu. Bà lại gần giật phắt chiếc đĩa khỏi tay của Dương rồi quát lên: “Cô vẫn cứ xuất hiện ở đây à? Tôi không ngờ cô mặt dày đến thế! Tôi đã tỏ thái độ như vậy để cô biết đường mà lui đi, vậy mà cô vẫn cứ như vậy, bắt tôi phải bất lịch sự. Giờ cô về đi, đừng ở đấy dính lấy con trai tôi, làm phiền gia đình tôi nữa!”
Dương phản kháng lại: “Cháu không bám dính ai cả. Cháu và anh Bách tự nguyện ở bên nhau. Cháu không làm gì có lỗi, cháu sẽ khiến bác hiểu. Bác đừng xúc phạm cháu như vậy!”
Bà Mừng chẳng nói chẳng rằng, nắm lấy tay áo Dương kéo xềnh xệch ra ngoài. Cô gái nhỏ nhắn bị lôi đi dưới sức kéo của người đàn bà trung niên khỏe mạnh. Cô cố gắng chùn chân đứng lại. Hai người giằng co nhau trước hiên nhà.
Bách chạy từ nhà dưới lên đúng lúc bà Mừng dúi ngã Dương xuống nền đất mưa xối xả. Anh buông rổ hoa quả mới rửa, chạy lại đỡ cô.
“Mẹ làm gì thế mẹ!”. Anh gào lên.
“Mày có phải con tao nữa không! Tao nói ròng rã như vậy mà mày vẫn dẫn nó về đây! Đừng khiến mẹ phải nhẫn tâm!”
“Tại sao mẹ lại như thế! Tại sao mẹ phải làm khó con như vậy?”. Anh ngâm trong nước mưa, che cho Dương, vai áo anh ướt lướt thướt.
“Nó là thứ ác tinh! Mày lấy nó về, sẽ không có con cái gì hết, nếu đưa nó vào nhà này, nó cũng sẽ bòn rút hết của cải của mày, phá nát cái gia đình này, hiểu không hả? Mày nghĩ là người làm mẹ lại làm điều xấu cho mày hả?”. Bà Mừng trong lúc giận dữ đã tuôn hết những điều giấu trong lòng ra.
“Mẹ nói cái gì cơ? Ai nói như vậy?” Bách thảng thốt trước những điều phi lý mẹ mình thốt ra.
“Tao đã đi xem rất nhiều chỗ, ai cũng bảo vậy. Nói tóm lại là tao không chấp nhận. Tao không thể làm hại gia đình của mình được”. Nói xong, bà quay ngoắt lưng bỏ đi.
Dương vẫn ngồi sụp dưới nền sân ướt. Những giọt nước mắt đầu tiên bắt đầu lăn dài trên má cô – người phụ nữ vẫn luôn kiên cường. Bách cũng ôm lấy Dương, lòng thắt lại. Mẹ anh trước giờ luôn bảo thủ và cố chấp, nếu bà đã có niềm tin vô lý đến thế, làm thế nào để thay đổi được đây? Từ bé đến giờ, bà luôn nói “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.” Bách vẫn luôn tôn trọng tín ngưỡng dân tộc, anh để mặc bà làm những gì bà mong muốn. Thế nhưng anh đâu ngờ bà lại u mê đến thế.
Dương vùng đứng dậy, quay lưng bỏ đi trong màn mưa ướt lướt thướt, nỗi tự ái, tủi thân đã dâng đầy trong lòng cô. Bách chạy theo níu cô lại, Dương một mực giằng tay ra khỏi anh và bước đi. Nỗi bất lực đè nặng lên vai anh. Đã mấy tháng ròng anh cố gắng nhưng không thể thay đổi được mẹ mình. Anh lấy gì tự tin để níu cô lại đây?
Bách quỳ sụp dưới trời mưa, nhìn bóng cô liêu xiêu bước đi xa dần.
Những ngày tháng đầy chông gai đó đã để lại vết sẹo lớn trong lòng Bách. Đó là sự trộn lẫn của nỗi đau phải từ bỏ người mình yêu, bất lực trước người mẹ của mình cùng nỗi dằn vặt về sự vô dụng của bản thân. Đó cũng chính là lí do khiến anh vô cùng ghét những điều vô căn cứ như tâm linh bói toán.
“ẦM ẦM…Tiếng động lớn sau lưng làm anh giật mình dứt ra khỏi dòng hồi tưởng miên man.
Tiếng động từ phía con đường trước mặt vang lên, lan dần tới chỗ anh đang đứng. Từ trên đèo dốc cao, những dòng nước lớn cứ ào ào đổ xuống theo cơn mưa, kèm theo đó là những viên đá rất to lăn xuống, bùn đất văng tung tóe, nhấn chìm những chiếc cây bụi cỏ mọc trên dốc đèo.
Bách hoảng hốt lùi lại thật nhanh trước khi chính bản thân anh cũng bị đè nát bởi những khối đá đó.
Đó chính là một trận lở đất.
Bách luống cuống với lấy chiếc xe chạy thật nhanh về phía sau. Tiếng ầm ầm vẫn đuổi sát phía sau lưng khiến anh run rẩy.
Trong màn mưa, một chiếc xe máy xé toang không gian ì ầm lao tới gần Bách. Anh nhận ra thầy H”Nue đang đèo theo một người đàn ông tới, mặc chiếc áo mưa giấy xanh.
“Lên đây…lên đây nhanh lên…đá còn lở xuống nhiều nữa…” Thầy H”Nue hét.
Người sau xe nhảy xuống, chạy lại đỡ chiếc xe cho Bách. Cả hai cũng đẩy xe lên dốc đèo, chạy thật nhanh trước khi đá lở xuống thêm nữa. Bách nhận ra khuôn mặt Uông Bắc lấp ló trong chiếc áo mưa
Chiếc xe được hai người đàn ông đẩy chuệnh choạng lên dốc, thầy H”Nue dong xe bên cạnh. Lên tới nơi cao hơn, Bách mới bật xe chầm chậm, để Uông Bắc ngồi sau đẩy lên.
Qua chỗ nguy hiểm, ba người cố gắng đưa hai chiếc xe về lại bản cũ.
Chật vật mãi tới tận sẩm tối, Bách cùng thầy H”Nue và Uông Bắc mới về được tới nhà thầy. Mưa đã ngớt hơn nhưng vẫn nặng hạt.
Bách dựng chiếc xe vào góc sân, xách đồ đi vào trong nhà, ngồi bệt xuống, thở hắt ra vì quá mệt.
Thầy H”Nue và Uông Bắc bước vào, giũ chiếc áo mưa để ngoài.
“Cậu đi thay quần áo đi không ốm.”
Lúc Bách thay bộ quần áo khác đi ra, thầy H”Nue với Uông Bắc đã ngồi ở đó, rót chén trà nóng uống cho ấm người.
“Hai bác đâu rồi ạ?”. Bách hỏi.
“Bố mẹ tôi đang ở bản bên, dự lễ Cơm mới của nhà bạn. Mưa thế này, lát tôi đi đón hai cụ về.”
“Vậy tại sao lúc nãy thầy gọi cho tôi ạ…? Có phát hiện gì mới ư?”
“Tôi cũng không chắc nữa. Linh cảm thôi. Nhờ cái này này.” Thầy H”Nue mở một gói đỏ trong hộc tủ, lôi ra một chiếc chân gà.
“Cái này là?”
“Tục bói chân gà của dân tộc tôi. Sau lễ Cơm mới thường có tục bói chân gà do thầy Mo đảm nhận cho mỗi gia đình. Thầy của tôi cũng dạy cho tôi tục bói chân gà này nên tôi hay xem cho nhà mình và các hộ xung quanh. Bói này sẽ cho biết vụ mùa năm tới như thế nào, gia cảnh ra sao…Nãy tôi xem thấy ruộng đồng của nhà tôi bị mất trong đầu mùa, tức là vài ngày tới đây…mà giờ lại mưa lớn. Hướng ruộng nhà tôi ở gần phía cậu đi xuống thành phố. Tôi sợ có lở đất, lũ quét xảy ra. Rất may là tôi đã đoán đúng, nếu không…không biết chuyện gì đã xảy ra. Buồn là, thuở ruộng be bé của nhà tôi chắc giờ tan hoang hết cả rồi.”
“À..tôi nhớ là thầy chưa kịp xem lúc sáng. Chắc là thầy vừa xem ạ?”
“Ừ, vừa về đến nhà, tôi tranh thủ xem luôn…Thấy không ổn tôi gọi cho cậu luôn. Ở lại thêm vài ngày còn hơn là đi liều mạng như thế.”
Bách run rẩy. Nếu như lúc nãy cậu cứ phăm phăm mà đi thì chắc giờ có thể đã nằm sâu dưới vài lớp đất đá. Cũng may chiếc lốp xe bị xịt đã hãm tốc độ của anh lại.
“Tôi đang tính đi điều tra tiếp vụ của bé Nhật nhà anh, thế nhưng thời tiết quá xấu nên mai hẵng bắt đầu. Để đường thông cũng phải mất 1 ngày, cậu cũng phải ở đây, ngày kia đỡ bão rồi hẵng về. Mai theo tôi đi dò tiếp…Mà này…”. Thầy H”Nue rút từ trong túi áo ra một cọc tiền gói ghém kĩ.
“Cậu đừng có mà dấm dúi để lại tiền cho tôi mà không nói thế này. Tôi không vui đâu. Tôi còn chưa giải quyết đâu ra đâu…Để tiền đó lo việc khác tốt hơn.”. Thầy nhét cọc tiền vào tay Bách.
Anh nở nụ cười méo xệch: “Vâng…cũng phiền thầy mấy hôm nên…xin lỗi thầy…”
Bách bất đắc dĩ phải ở lại. Dường như cả trời đất cũng không muốn anh trở về. Bách gọi điện thoại báo cho bố rằng mình phải vài ngày nữa mới có thể quay về nhà.
Ngày mai, anh lại tiếp tục đi tìm con.