Nhục Hồng Ngải - Chương 1: Khủng hoảng
Ngày hôm qua, bé Nhật, đứa con trai duy nhất của anh vừa mất tích.
Đến tận ngày hôm nay, anh còn chưa hiểu thực sự chuyện gì đang diễn ra và tại sao bi kịch này lại rơi xuống đầu anh.
Vợ anh đã mất sau khi Nhật vừa khoảng ba tuổi, ba năm nay, chỉ có hai bố con ở với nhau. Vò võ cảnh gà trống nuôi con nhưng Bách luôn cố gắng dành tất cả những gì tốt nhất cho thằng bé. Đứa trẻ là hy vọng lớn nhất đời anh, là điều tốt đẹp duy nhất mà vợ anh để lại cho anh.
Mấy ngày vừa qua, thằng bé lên cơn sốt cao, uống thuốc vào chỉ giảm sốt đi một chút rồi lại tăng lên tới 38,39 độ. Khắp người thằng bé nổi ban đỏ, đến cả đôi mắt cũng đỏ ngầu, người cứ lả đi. Ban đầu, anh chăm con như những lần khác thằng bé bị ốm sốt nhưng sau đó tình hình dần trở nên nghiêm trọng hơn, vì vậy anh quyết định đưa thằng bé vào viện Nhi trung ương khám cho yên tâm.
Những lần thằng bé ốm đau, anh vô cùng vất vả. Ông bà ngoại định cư ở nước ngoài, chỉ thi thoảng về thăm cháu, cho quà. Bố mẹ anh, là ông bà nội của thằng bé vẫn ở dưới quê, phải lo công việc làm ăn cùng với anh trai chị dâu anh. Chỉ một mình anh ở trên thành phố vừa đi làm, vừa nuôi dạy con trai, không phải lúc nào ông bà cũng lên đỡ đần được. Đã bao nhiêu lần, bố mẹ anh thúc giục anh mang thằng bé về cho ông bà nuôi, như thế anh có thể yên tâm làm việc hơn. Công việc trên thành phố này đang ổn định và phát triển, nếu rời bỏ tất cả để trở về quê nhà thì anh không thể làm vậy, chỉ còn cách để hai bố con xa nhau. Đã nhiều lần anh dự định đưa thằng bé về ở dưới quê theo lời bố mẹ thế nhưng anh lại day dứt. Bé Nhật lớn lên đã thiếu vắng tình yêu của mẹ, anh không thể để nó cũng thiếu nốt tình yêu của bố, đưa cậu nhóc về cho ông bà nội, sau này lớn lên, nó sẽ chẳng thể có nhiều tình cảm với bố, rồi sẽ trách anh đã bỏ rơi con. Hơn thế nữa, anh muốn tự mắt nhìn thấy từng đoạn đường phát triển của con, muốn cùng con lớn lên, dạy con cách làm một người đàn ông. Anh lo sợ môi trường giáo dục dưới quê không đủ tốt cho thằng bé và cũng một phần anh không thực sự hòa hợp với bố mẹ… Không chỉ có vậy, Nhật còn có đôi mắt ướt giống y hệt mẹ. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt con, những miền ký ức khô cằn trong anh dường như được tưới mát. Anh không nỡ xa con.
Chính vì vậy mà anh vẫn khư khư giữ thằng bé lại bên mình, không rời nửa bước.
Vậy mà ngày hôm qua, anh chỉ rời khỏi thằng bé một lúc mà nó đã hoàn toàn biến mất khỏi vòng tay anh, không để lại một dấu vết gì. Anh bế Nhật tới viện, người nó cứ lả đi, không đặt con xuống được mà anh vẫn phải đứng xếp hàng lấy số. Bế con trên tay xếp hàng hơn 10 phút, cánh tay anh mỏi nhừ. Dù sao cậu bé cũng hơn 6 tuổi rồi, không còn bé bỏng gì nữa, bế lên nặng như chì vậy. Ngày hôm qua là cuối tuần, viện Nhi đông đúc chật như nêm, sảnh chính chẳng còn chiếc ghế trống nào. Có vẻ như đợt này có bùng phát dịch sởi, phát ban, rất nhiều đứa trẻ có biểu hiện giống cu cậu nhà anh, người chi chít nốt đỏ, khóc mếu ầm ĩ cả sảnh. Nhìn thấy hàng ghế trống ở xa xa, anh bấm bụng, nhờ người đứng sau giữ chỗ cho mình rồi bế thằng bé lại đằng đó.
“Nhật ngoan, con ngồi đây đợi bố một xíu thôi, bố quay lại ngay, nha con!”
Cậu bé mặc chiếc áo xanh lá cây xộc xệch, áo hơi sờn vai, chiếc quần bò đã hơi ngắn, đội chiếc mũ lưỡi trai xinh xinh, khe khẽ gật đầu, đôi mắt lim dim.
Anh vỗ nhẹ vai con, nhắc lại lần nữa nhẹ nhàng: “Nhớ con nhé, không đi đâu cả, ngồi ở đây bố quay lại ngay…”
“Vâng…” Thằng bé nói nhỏ, lưng tựa vào chiếc ghế nhựa đầy mỏi mệt. Trộm vía từ bé đến lớn, Nhật rất ngoan và hiểu chuyện. Ngoài những lúc nghịch ngợm bị cuốn theo những trò chơi như các đứa trẻ cùng tuổi khác, Nhật vẫn rất nghe lời bố và vô cùng tự lập. Thấy con đáp như thế, anh cũng yên tâm hơn, đứng lên vội bước đi, đầu vẫn ngoáy lại xem thằng bé như thế nào. Ánh mắt anh ghi trọn lại hình ảnh của con, ngồi ngoan ngoãn trầm lặng trên dãy ghế của bệnh viện, cảm tưởng như nó sẽ không bao giờ rời khỏi tầm mắt, không bao giờ rời xa anh. Ấy vậy mà không ngờ rằng, đó cũng là hình ảnh cuối cùng của con mà anh được nhìn thấy.
Sau khi lấy số khám bệnh, bước ra khỏi một biển người, một đám đông hỗn độn nơi sảnh chính bệnh viện, anh vội vã quay lại chỗ đã đặt thằng bé lại ngay đó. Anh giật mình đánh thót khi nhận ra trên chiếc ghế đó chỉ có một người phụ nữ với đứa con đang ngồi cạnh. Anh đảo mắt ra xung quanh những không nhìn thấy chiếc áo xanh lá cây của con đâu cả.
“Chị…chị gì ơi…cho tôi hỏi…Chị có thấy cháu bé nào ngồi ở đây không? Nó mặc áo màu xanh lá cây…tầm 6 tuổi ấy ạ…”
Người phụ nữ lắc lắc đầu.
“Không, tôi vừa ở trên khoa khám bệnh cho cháu nhà tôi xuống, đang đợi bố nó đi mua thuốc, ngồi chờ tạm ở đây, không thấy ai cả!…”
Tay Bách bắt đầu run lên, trán vã mồ hôi ra lo lắng. Anh tạm thời trấn tĩnh, nghĩ rằng con chỉ mải chơi đi đâu đó linh tinh rồi không nhớ đường về, mặc dù điều đó là rất hiếm xảy ra, vì Nhật ít khi làm trái lời bố dặn. Anh chạy khắp sảnh bệnh viện, các hành lang, nhà vệ sinh để tìm bóng dáng của con nhưng vẫn không thấy. Cuống quá anh còn với đầu vào hỏi nhờ tận trong nhà vệ sinh nữ để tìm nhưng không ai hay. Bách đành gọi điện cho anh chị họ nhà bác xin giúp đỡ, đồng thời báo ngay cho nhân viên bệnh viện để ý tìm kiếm.
Bảo vệ của bệnh viện và khu nhà để xe cũng không thể giúp được anh nhiều vì quả thực ngày hôm đó quá đông, hàng trăm người qua lại, không thể nhớ rõ được ai với ai. “Thời buổi bây giờ sợ lắm! Dạo gần đây, mà thực ra cũng mấy năm rồi, xảy ra nhiều vụ bắt cóc trẻ em lắm! Sơ xểnh ra là mất con mất cháu như chơi…Mong không có chuyện gì xảy ra với gia đình…Có thấy cháu tôi sẽ giữ lại rồi gọi điện cho mọi người tới đón…” Người bảo vệ nói an ủi anh.
Lồng ngực anh thắt lại, bao nhiêu suy nghĩ dồn nén, thảng thốt, hối hận. Anh vẫn tin rằng con anh đang ở đâu đó trong bệnh viện rộng lớn, rằng nó chỉ đi lạc mà thôi. Lòng anh quặn lên khi nhớ đến con đang trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi. Không hiểu nó đang ở đâu, nếu có mệnh hệ gì…Anh không thể chịu được mất.
Từ sáng đến tối ngày hôm đó, anh cùng với họ hàng tụ họp để tìm kiếm bé Nhật, lùng sục khắp các phòng ban trong bệnh viện cùng khu vực lân cận xung quanh. Gia đình cũng tổ chức phát giấy, tờ rơi dán ở các khu vực đó mong sớm có thông tin. Anh Bách chạy đôn chạy đáo khắp nơi, tóc tai bết bát cả lại, trong tâm như có lửa đốt, không ngừng gọi tên con. Mọi chuyện xảy đến quá nhanh, không một ai để ý thấy, không còn một chút manh mối nào. Bệnh viện không có camera hoạt động ở những khu vực đó nên cũng chẳng còn hình ảnh ghi lại.
Tối hôm ấy, Bách vẫn lang thang trên từng con phố của thành phố hoa lệ, mong được nhìn thấy bóng dáng đứa con trai bé bỏng, được ôm con vào lòng thêm một lần. Dòng người xuôi ngược hối hả dường như đang vô cảm trước nỗi đau trong lòng anh. Anh hối hận lắm, anh tự trách mình, giá như anh đừng bỏ con ngồi lại một mình, giá như anh đưa con về quê sống thì có lẽ con sẽ an toàn hơn, giá như…
Đêm đến, anh vẫn không chịu về nhà, vẫn muốn ở ngoài đường tìm con, giọng anh đã lạc cả đi vì hỏi han người dân quá nhiều. Họ hàng anh đều khuyên anh nên nghỉ ngơi còn lấy sức tìm kiếm con. Đáng lẽ ra anh nên báo công an sớm hơn, báo ngay từ lúc anh không thấy thằng bé. Thế nhưng theo luật, qua 24h mới được lên trình báo mất tích, nếu không sẽ không tổ chức tìm kiếm ngay được. Anh sao có thể kiên nhẫn được nữa? Đứa con trai bé bỏng của anh giờ đâu biết sống chết ra sao? Để muộn hơn nữa cơ hội tìm thấy thằng bé sẽ càng giảm…Bách đi xe máy tới nơi cần đến, vứt xe bên cạnh rồi thẫn thờ ngồi thụp xuống trước cổng trụ sở công an phường, chờ đợi trời sáng. Cơn ác mộng đổ ụp xuống cuộc đời của anh không sao kháng lại. Sau ngày vợ anh nhắm mắt ra đi, anh không nghĩ sẽ còn một ngày tâm hồn anh đau đớn đến thế.
Anh gà gật tới sáng, nóng ruột đợi trụ sở công an làm việc. Trời tảng sáng, những người dân đi làm sớm lướt qua anh với ánh mắt hiếu kì. Người bảo vệ vừa mở cánh cổng sắt vào lúc 7h sáng, anh đã xồng xộc định xông vào.
“Này này! Cậu định làm gì thế? Chưa đến giờ làm việc đâu,8h nhé!”
“Cháu xin bác, ở trong đó có ai không? Cháu đang cần giúp đỡ, con trai cháu…con trai cháu mất tích từ sáng qua…”
“Như nào thì cũng từ từ…đợi mọi người tới mới giải trình gì thì giải trình…Thôi cậu vào đây ngồi đợi nhé!”. Người bảo vệ luống tuổi bảo Bách vào trong dãy ghế ngoài văn phòng ngồi.
8 giờ hơn, những đồng chí công an mặc cảnh phục mới từ tốn bước vào văn phòng, lục đục làm việc.
Bách loạng choạng bước vào trước cánh cửa, gõ cốc cốc.
“Vào đi ạ!” Tiếng người đàn ông phía trong vang lên.
Bách bước vào trong, nhanh chóng ngồi đối diện sĩ quan công an, trình báo tường tận về vụ mất tích của con trai mình.
Người sĩ quan ghi lại thông tin cần thiết, thông tin cá nhân và mô tả ngoại hình cháu bé cẩn thận rồi nói với anh.
“Anh yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức…”
“Liệu bao nhiêu lâu có tin được hả anh…” Bách lo lắng hỏi.
“Điều này không khẳng định chắc chắn được. Chúng tôi cũng đang phối hợp tìm kiếm nhiều trường hợp khác ở các địa bàn. Có tin tức sẽ báo ngay cho anh. Mong anh đừng lo lắng quá. Gia đình cứ bình tĩnh, đừng làm ầm lên quá, không lại hỏng chuyện…”. Người sĩ quan đáp.
“Vâng vâng…làm ơn hãy cố gắng giúp tôi…tôi còn mỗi mình thằng bé…” Bách thảng thốt, hết sức khẩn nài.
“Anh cứ về đi…có tin chúng tôi sẽ báo cho anh ngay lập tức…Giờ chúng tôi phải lập hồ sơ trình lên công an quận.”. Người sĩ quan đưa tay ra cửa tỏ ý tiễn Bách về. Người cha tội nghiệp đành lủi thủi lê bước ra khỏi trụ sở công an, lòng đau như cắt.
Trên bầu trời cuối hè, giông kéo đến rất nhanh. Bầu trời mù mịt như bao phủ kín lấy hi vọng trong lòng anh, ánh sáng sắp tắt ngấm.
Anh thầm nhủ trong đầu: “Dương à…em ở đâu…hãy giúp lấy con, phù hộ cho thằng bé được an toàn…Anh xin lỗi…Là anh vô dụng…”
Giọt nước mưa đầu tiên rơi lộp bộp xuống mặt anh cũng là lúc nước mắt anh chảy dài xuống má.