Ma thổi đèn 3 - Trùng cốc Vân Nam - Chương 16 - Trước miệng cốc
Trên bức phù điêu phía sau trấn lăng phả, ở trên cùng là một tòa cung điện rực rỡ huy hoàng, đầy đủ cả nguyệt thành, giác lâu, thành chính, bia chìm, khuyết đài, tường vẽ thần tiên, đình bia, bệ thờ (1). Xa xa phía sau là cảnh núi sông, phía dưới cung điện không có núi đồi bệ đá mà chỉ là vài dải cầu vồng, tất cả đứng trên khói mây giữa không trung, xung quanh có rồng bay bảo vệ, toát lên phong thái siêu trần thoát tục của lầu các thần tiên.
Dưới nữa, thể hiện một tuyến thần đạo bên dưới huyền cung (2). Hai bên thần đạo là dãy núi trải dài với các ngọn núi vút cao chọc trời, tô điểm thêm cho lầu các trên không trung thêm phần uy nghiêm tráng lệ, tuyến thần đạo này có lẽ chính là khê cốc được đặt tên là Trùng cốc đó rồi.
Tuyền béo xem xong cười cười bảo :” Lão Hiến vương này mê làm thần tiên đến mức điên rồi, cái mả mà cũng làm chẳng khác gì thiên cung ngọc điện của Ngọc Hoàng đại đế, lại còn xây tận trên trời nữa chứ, chẳng bằng chôn béng lên mặt trăng cho xong!”
Shirley Dương nói :” Tất cả các manh mối thu thập được đều nói mộ Hiến vương đặt bên trong thủy long huân hay còn gọi là ‘Thủy Long vương’, dù thủy long huân ấy thần kỳ đến mấy tôi cũng không tin trên đời này có thể tồn tại nơi nào đi ngược lại với các quy tắc vật lý như vậy. Hình ảnh điêu khắc trên tấm trấn lăng phả này chắc chắn đã được nghệ thuật hóa, hoặc là ngầm ngụ ý gì đó thôi”.
Tôi nói với Shirley Dương và Tuyền béo :” Gọi là ‘thủy long’, chẳng qua là chỉ cái thác nước có lưu lượng lớn, còn ‘huân’ tức là quầng sáng, là cầu vồng bảy sắc do hơi nước bốc lên tạo thành, có hình mà không có thực, người xưa cho rằng đó là cầu để thần tiên đi lại, không thể xây cất gì ở trên đó. Hình ảnh điêu khắc tòa cung điện mà chúng ta thấy đây chắc không phải mộ của vương mà là các công trình dùng để tế lễ trên mặt đất phía trên lăng mộ, gọi là minh lâu. Theo quy tắc thời Tần – Hán, thì địa cung trong mộ vương phải nằm sâu mười trượng dưới tòa minh lâu này, truyền thống này còn giữ mãi đến cuối đời Thanh”.
Shirley Dương hỏi tôi :” Nếu là minh lâu để tế tự, cũng tức là nói rằng sau khi Hiến vương chết, cứ cách một thời gian nào đó sẽ có người đến đấy cử hành nghi thức cúng bái, nhưng trên bản đồ bằng da người lại ghi rằng xung quanh lăng mộ có chướng khí độc hại không bao giờ tan đi, người bên ngoài không thể vào, vậy thì những người đến cúng bái Hiến vương phải đi vào bằng lối nào? Chẳng lẽ lại có một con đường bí mật xuyên qua chướng khí?”
Chướng khí sinh ra trong sơn cốc không ngoài hai nguyên nhân, một là do địa hình địa thế; ở chốn thâm sơn cùng cốc, không khí không lưu thông, lại quá ẩm ướt, cộng với xác động thực vật hỗn độn trong đó, nên sinh ra chướng khí độc hại.
Còn một nguyên nhân nữa, rất có thể sau khi xây dựng xong mộ và chôn cất Hiến vương, lợi dụng địa hình thấp trũng của Trùng cốc, người ta nhằm những nơi không có gió lưu thông để trồng một số loài thực vật đặc thù vốn sẵn có độc tố, và thế là hình thành một vành đai bảo vệ vương mộ. Tuy nhiên cũng chưa chắc đã có cây độc, từ thời Tần – Hán, người xưa đã rất thuần thục kỹ thuật điều chế thủy ngân từ thủy ngân sulfur, rất có thể người ta đã đổ một lượng lớn thủy ngân ở gần đó, cùng với thời gian, thủy ngân khuếch tán trong không khí hình thành chướng khí độc hại. Có điều khả năng này không lớn, dù sơn cốc kém thông gió thì nó vẫn là một không gian mở, khí độc sẽ có ngày tan đi, trừ phi những người thợ xây có cách gì đó khác.
Ba chúng tôi bàn bạc một hồi, rồi lại giở tấm bản đồ da người mà lão mù đưa cho ra để đối chiếu, thấy bản đồ này thiếu một phần so với trấn lăng phả. Trên bản khắc ở mặt sau tấm trấn lăng phả, có một chỗ trong khê cốc khắc một con cóc hình thù kỳ dị đang há mồm, ở gần mộ Hiến vương cũng có một con cóc đang há mồm đối xứng với nó.
Nhưng tấm bản đồ chỉ vẽ một con cóc ở trong khê cốc, con cóc này lại ngậm mồm. Người vẽ bản đồ cho Điền vương không biết gì về tình hình phía sau màn chướng khí, chỉ vẽ chuẩn một số đặc trưng ở ngoại vi, rõ ràng là tình hình bên trong mộ Hiến vương thuộc phạm vi bí mật tuyệt đối, không phải ai cũng được biết.
Sự khác biệt nho nhỏ này, nếu không chú ý thì rất khó nhận ra, vì trên trấn lăng phả và tấm bản đồ da người đều có rất nhiều hình vẽ chim thú quý lạ, những động vật này không hẳn là có ở gần mộ Hiến vương, một số chỉ mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi. Đó là vấn đề thế giới quan của người thời cổ, tựa như có một số bản đồ cổ xưa vẽ rồng thay cho vẽ sông, vẽ linh quy để thể hiện đỉnh núi hùng vĩ.
Con cóc này không hề nổi bật, nói là cóc thì e không thật chuẩn xác, tuy hình dáng giống cóc nhưng tư thế hoàn toàn không giống. Mặt mũi rất đáng ghét, bụng phình to, hai chân sau chạm đất, hai chân trước giơ ra trước ngực như động tác đẩy cửa, đầu vươn cao, hai mắt trợn tròn cứ như chết không nhắm mắt, lỗ mũi hếch lên trời, cái mồm ngoác ra quá to không cân đối với thân mình.
Tôi chỉ vào con cóc ở trấn lăng phả, nói :” Hai con cóc, một trong một ngoài hoàn toàn đối xứng, trên cả hình vẽ này, chỉ có một chỗ này là đối xứng với nhau, rất có thể đây là thông đạo dưới đất để tránh chướng khí cho người đi vào cúng tế, cái mồm kỳ dị của con cóc chắc là cửa vào. Trên bản đồ da người chỉ vẽ một con, đó là bởi người vẽ bản đồ không nắm được tình hình bên trong. Chúng ta chỉ cần tìm ra vị trí này trong Trùng cốc là có thể tiến vào mộ Hiến vương tận sâu bên trong rồi.
Shirley Dương tỏ ý tán thành phán đoán của tôi, còn Tuyền béo thì nghe không hiểu gì, đành ậm ừ phụ họa. Chúng tôi xác định lại mấy lượt trên hình vẽ, chỉ cần tìm thấy dải khê cốc ấy là chắc chắn sẽ lần ra con cóc có khả năng ẩn tàng lối đi bí mật đó.
Chúng tôi xuống khỏi lưng con Tiêu đồ, quay nhìn bốn bề, chỉ là một cảnh tan hoang. Hai cây đa to đổ vật, cỗ quan tài vỡ nát, xác chiếc máy bay vận tải, mấy con cú đại bàng bị khẩu “máy chữ Chicago” bắn chết rũ như đống giẻ rách, và bề bộn nhất là vô số xương cốt ở trong hốc cây.
Tuyền béo khẽ đá vào xác con cú đại bàng nằm trên đất, nói :” Bắn nát bươm cả rồi, hay là vặt lông nướng lên đi, coi như bữa trưa nay khỏi phải nghĩ”.
Tôi nói với cậu ta :” Đừng bận tâm mấy con chim chết ấy làm gì, cậu vào khoang máy bay xem xem có vũ khí đạn dược gì còn dùng được không?”
Xác chiếc máy bay vận tải rơi xuống đất đã vỡ tan vỡ tành, Tuyền béo lật các mảnh vỏ máy bay ra, lục lọi tìm kiếm xem còn tận dụng được thứ gì hay không.
Tôi và Shirley Dương phụ trách thu xếp bộ hài cốt của người phi công Mỹ, tôi lấy cái nhíp hai đầu ra khỏi tay anh ta, ấn thử vài cái kêu tạch tè tạch tè, nghĩ bụng, tiếng máu tươi trong quan tài ngọc nhỏ xuống nền đá cũng kêu tạch tè, con cú đại bàng ở trong khoang máy bay mổ con thằn lằn cũng phát ra âm thanh tương tự, tiếng động do con trăn trùng thuật nằm trong quan tài ngọc phát ra cũng na ná, vậy đoạn mã tín hiệu ma kia từ đâu ra, e không thể nào xác định được. Tôi càng muốn tin rằng đó là linh hồn của viên phi công Mỹ đang cảnh báo chúng tôi.
Có một thứ đặc biệt thu hút sự chú ý của chúng tôi, đó là phù hiệu trên áo của viên phi công này thuộc đội máy bay ném bom chứ không phải máy bay vận tải. Ngoài ra, phía lưng áo còn đính một mảnh vải trắng với hàng chữ ” không quân Mỹ sang Trung Hoa trợ chiến, quân dân một lòng giúp đỡ”.
Chứng tỏ người này không phải thành viên tổ lái của chiếc máy bay vận tải kiểu C.
Khí hậu nơi này rất phức tạp, vì núi và bồn địa có độ cao chênh nhau quá lớn nên áp suất không khí rất không ổn định, có thể nói nơi này đúng là nghĩa địa máy bay. Có lẽ quanh đây vẫn còn máy bay khác bị rơi, anh phi công sống sót này đang lần tìm đường ra khỏi rừng thì trở thành vật hy sinh cho cỗ quan tài ngọc.
Chúng tôi dùng xẻng công binh đào một cái hố, định mai táng người phi công trong ấy, nhưng thây đất ở đây quá ẩm ướt, lại toàn rễ cây, không thích hợp để chôn cất. Thảo nào mà vị chủ tế kia lại táng ở trên cây.
Tôi và Shirley Dương bàn bạc, quyết định tạm thời coi cái khoang máy bay này là quan tài, đặt hài cốt của viên phi công vào đó, sau khi trở về sẽ thông báo cho người đến mang về nước.
Lúc này Tuyền béo đã bới được ba bốn khẩu súng máy Thompson còn nguyên vẹn và hơn chục hộp đạn nữa,bèn chạy đến giúp chúng tôi đặt hài cốt viên phi công vào một tấm chăn chiên mỏng, rồi chuyển vào khoang máy bay, sau đó xếp đá chặn kín lỗ hổng lại.
Shirley Dương lấy cành cây buộc thành cây thánh giá cắm phía trước xác máy bay, ba chúng tôi đứng nghiêm trước cây thánh giá, Shirley Dương khẽ đọc mấy câu trong Kinh Thánh, mong người phi công Mỹ hy sinh vì tự do cho nhân loại này được an nghỉ.
Khung cảnh này khiến tôi nhớ đến ngày nào ở tiền tuyến đứng trước di thể của các chiến hữu đã hy sinh, chợt thấy sống mũi cay cay, bèn vội chớp chớp mắt, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời.
Tuyền béo bỗng bước lên hai bước, nói :” Bạn thân yêu hãy yên nghỉ, tôi hiểu tâm nguyện vẫn chưa hoàn thành của bạn. Chúng tôi xin gánh vác mọi trách nhiệm nặng nề xây dựng sau chiến tranh huy hoàng. Bạn thân yêu hãy yên nghỉ! Trời xanh mây trắng sẽ hát lời ca tụng bạn, đỉnh núi cao sẽ gửi đến bạn những vòng hoa. Hoa tươi khắp núi rừng sẽ cho chúng ta biết ở đây có một liệt sĩ đang yên giấc ngàn thu”.
Tôi xưa nay luôn phải chào thua cái kiểu ăn nói của Tuyền béo, lúc này chẳng biết nên khóc hay nên cười nữa. Nhìn trời thấy đã gần trưa, nếu còn nấn ná e sẽ không kịp đi tìm lối vào khê cốc, tôi bèn bảo mọi người hãy lên đường.
Khẩu Thompson nặng thật, nhưng sau một đêm dài dằng dặc chúng tôi đã hoàn toàn thấm thía được tầm quan trọng của súng máy khi đi trong rừng sâu. Không kể Shirley Dương chưa quen dùng cái “máy chữ Chicago” này, tôi và Tuyền béo mỗi người chọn một khẩu, còn Shirlet Dương tạm thời sử dụng súng hơi “Kiếm Uy” và khẩu súng lục 64 còn lại. Hộp đạn băng đạn, đem được bao nhiêu thì cố đem, cả những cái túi nilon đen chống nước bọc bên ngoài mấy khẩu súng chúng tôi cũng mang theo luôn.
Chúng tôi tiếp tục đi men theo mạch núi Già Long tiến lên phía trước, vừa đi vừa ăn lương khô cho đỡ đói. Hành trình hôm nay tương đối nhẹ nhõm, tiếp thu bài học hôm trước, chúng tôi cố gắng đi men theo những chỗ dốc gần kề mạch núi. Ở khu vực tiếp giáp giữa mạch núi và rừng cây, thực vật mọc thưa hơn hẳn trong rừng sâu, lại không ẩm ướt ngột ngạt như trong rừng, cũng không giá lạnh như trên núi quá cao so với mực nước biển. Những làn gió đưa hương dìu dịu thấm vào lòng khiến người ta bỗng cảm thấy dễ chịu, đầu óc tỉnh táo, những nỗi mệt nhọc sau một ngày một đêm đã vợi đi không ít.
Cứ như thế chúng tôi đi về hướng Tây Bắc chừng bốn năm tiếng đồng hồ thì bắt gặp một vùng cây nở đầy hoa, những đóa hoa ba màu đỏ, trắng , vàng, to bằng cái bát ăn cơm, vô vàn bươm bướm đang dập dờn bay lượn. Một dòng suối rộng vừa phải chảy qua vùng cây cối này, ở tít phía sâu là một cánh rừng dâng cao, nơi đó mọc tập trung những cây cao to, lớp lớp dày đặc, cao đến gấp rưỡi cây cối ở khu vực phụ cận. Có lẽ dòng suối quanh co uốn khúc này chính là sông Rắn Bò mà dân địa phương quen gọi. Hầu hết các nhánh của sông Rắn đều chảy ngầm trong lòng đất, chỉ có nhánh này là lộ thiên.
Dòng suối chảy qua vùng rừng cây này, đi qua cánh rừng dâng cao rồi chảy vào sơn cốc âm u tận sâu mãi phía trong, có ống nhòm cũng không thấy được tình hình bên trong sơn cốc. Tôi giở bản đồ da người, tìm thử các vật tham chiếu ở gần đó, xác định không có gì nhầm lẫn, đây chính là lối vào Trùng cốc rồi. Đi qua đoạn này, địa thế sẽ thấp dần, nước suối chảy xiết hơn, có lẽ con đập được xây từ thời thi công lăng mộ Hiến vương chắn ở ngay phía trước. Tuy rằng trên mặt đất mọc đầy cỏ dại, hầu hết đều bị thực vật che phủ hoàn toàn, nhưng vẫn có thể nhìn thấy một số mảnh gạch vỡ, có lẽ đây là tàn tích của thần đạo dẫn đến ngôi mộ Hiến vương.
Chúng tôi thấy cuối cùng cũng đã đến Trùng cốc, đều phấn chấn hẳn lên, rảo bước tiến về phía trước, dự định sẽ dựng lều nghỉ chân ở gần di tích đập nước. Bước vào khu rừng đầy cây hoa, thoạt đầu thấy những cây thấp muôn hoa đua nở với đủ màu sắc rực rỡ vô cùng, ở sâu phía trong lại toàn là hoa đỏ lá đỏ thuần một màu, nhìn vào ngỡ là một đám mây đỏ khổng lồ, đàn bướm phượng vĩ vàng óng bay lượn giữa rừng hoa đỏ.
Nơi đây chẳng khác nào cõi thần tiên, so với khu rừng âm u cách đây không xa mà chúng tôi vừa qua đêm thì đúng là hai thế giới khác hẳn. Tuyền béo nói :” Tiếc quá, chẳng rõ chúng ta đã đánh mất hai cái vợt bắt bướm ở đâu, nếu còn tôi sẽ bắt vài trăm con bướm đem về Bắc Kinh làm tiêu bản mà bán cũng được một khoản lớn đấy. Xem ra trên đời này còn khối cách kiếm tiền, nếu không đi đây đi đó mà cứ ru rú trong thành phố thì sao có thể nghĩ ra được?”
Shirley Dương nói :” Những cây lá đỏ hoa đỏ này gọi là quyết Dictyocline wilfordit (3), thời gian hình thành là khoảng trước kỷ thứ ba, cách đây vài chục triệu năm. Các loài thực vật cùng thời với nó sau bao biến động thăng trầm về cơ bản là đã tuyệt chủng hết rồi, quyết Dictyocline wilfordit là loài thực vật hiếm hoi sót lại. Chúng chủ yếu sinh trưởng ở những nơi thiếu ánh sáng và râm mát trong rừng. Những con bướm lớn dị chủng này có lẽ cũng chỉ quanh đây mới có, một lần anh định bắt vài trăm con, thì khác nào muốn loài bướm kim tiền và quyết Dictyocline wilfordit cùng tuyệt diệt?”
Tuyền béo phát cáu :” Cô thật là … người như cô sao cứ thích lên lớp cho người khác thế nhỉ! Tôi chỉ buột miệng nói vậy thôi, chứ nếu bảo ông béo này bắt bướm thật thì sốt ruột lắm. Bắt bướm mãi rồi cũng hết, đâu có lãi thực như đổ đấu, vớ được một món minh khí là có thể ăn chơi hưởng lạc nửa đời người!”
Ba chúng tôi vừa trò chuyện vừa đi xuyên qua rừng hoa, lần theo vết tích của thần đạo cổ xưa, đi đến chỗ tiếp giáp giữa rừng hoa và rừng cây, đây là lối vào Trùng cốc. Càng tiến đến gần mộ Hiến vương, các di tích cổ xưa càng thêm rõ rệt.
Ở cửa sơn cốc có hai khối đá nhẵn trơn đập ngay vào mắt, vì chỗ này bị cánh rừng cây cao kia che khuất nên đứng ngoài hoàn toàn không nhìn thấy hai khối đá khổng lồ nhẵn thín này. Không ai ngờ rằng trong rừng rậm thế này lại có hai khối đá lớn, bên trên không mọc nhánh cây ngọn cỏ nào, trông vừa trơ trọi vừa quái dị.
Chúng tôi ngước mắt quan sát, đều ngờ ngợ hai khối đá này giống vật gì đó. Nhìn kỹ hơn, thấy trên cả hai khối đá đều dùng chất liệu màu đen vẽ một con mắt. Nhưng nó không được tạo hình kiểu nhãn cầu như Mộc trần châu, mà là con mắt có lông mi hẳn hoi, ánh mắt sâu thẳm uy nghiêm, tuy nét vẽ còn thô vụng nhưng lại rất có thần. Lẽ nào chúng định nhắc nhở rằng Hiến vương đã chết kia đang dùng đôi mắt của ông ta dõi nhìn bất cứ ai dám bước vào sơn cốc này?
Shirley Dương bước đến gần nhìn khối đá, rồi ngoái lại nói với hai chúng tôi :” Đây là hai khối vẫn thạch tức phần còn lại một thiên thạch tách làm hai, gần đây có sự cố máy bay rơi, hẳn là có liên quan đến hai khối đá này”.
——————————–
Chú thích:
1. Nguyệt thành: thành nhỏ, bên ngoài thành chính. Giác lâu: lầu, vọng gác đặt ở bốn góc trên tường thành. Khuyết đài: lầu dựng trước hai bên cửa hoàng cung.
2. Huyền cung: nơi nghỉ ngơi thanh tĩnh, ngầm chỉ phần mộ. Thần đạo: đường dẫn đến lăng mộ.
3. Một loài thực vật cùng họ với dương xỉ.