Ma thổi đèn 1 - Thành cổ Tinh Tuyệt - Chương 6 - Lầu ma chín tầng
Có điều trời không tuyệt đường người, những chấn động dự dội do tuyết lở gây ra đã khiến triền núi dốc ngược trước mặt chúng tôi nứt ra một khe hở lớn hướng thẳng xướng dưới.
Cơn lũ tuyết mù mịt trên trời đã đổ ập xuống, mọi người chẳng kịp đắn đo, liền gắng sức lao vào khe nứt trong núi đá, độ dốc bên dưới rất lớn, chẳng ngờ khoảng cách trên dưới lại khác xa đến vậy, năm người cuộn lại với nhau ngã lăn xướng dưới, lộn nhào mấy vòng rơi xướng đáy một cái hang lớn.
Ngay sau đó, một khối tuyết lớn cũng ập xuống bịt kín khe nứt, vô số bông tuyết tung lên xối xả, khiến ai nấy đều ho lên sặc sụa. Tiếng uỳnh uỳnh trên đầu mãi lâu sau mới yên trở lại, nghe những tiếng động ấy, không biết bên trên đã có mấy vạn tấn tuyết trút xuống nữa.
Trong hang tối mịt chẳng thể nhận ra thứ gì, mọi người coi như thoát chết, mãi lâu sau mới có người cất tiếng, nghe rõ là giọng vùng Đông Bắc, thoạt nghe đã biết ngay là anh Đô: “Người nào còn thở được thì gắng ới lên một tiếng! Hồ Bát Nhất, Cả Oa, anh Lưu, cô Lạc! Mọi người ở đấy cả chứ?”
Tôi cảm thấy toàn thân xương cốt rã rời, đau đến nói chẳng ra hơi, chỉ ê ê vài tiếng ra hiệu mình vẫn còn sống.
Cả Oa đáp lại một tiếng, rút đèn pin soi chung quang, Lạc Ninh ngồi trên đất, đôi mắt ngây dại, hình như không bị thương gì, anh Lưu nằm bên cạnh cô, hai mắt nhắm nghiền hôn mê bất tỉnh, chân trái của anh đã gãy, nửa khúc xương trắng hếu chọc cả ra ngoài.
Khe núi chúng tôi rơi vào vừa sâu vừa hẹp, ngoài vùng đèn pin soi được đều là một bóng tối đen như hũ nút, bị hạn chế tầm nhìn, nên chẳng biết phía xa kia địa hình thế nào.
Anh Đô đưa tay thử hơi thở của kỹ sư Lưu, rồi lập tức run rẩy thõng xuống: “Thôi rồi! Tắt thở rồi!”
Tôi trườn người qua sờ vào động mạch cổ của anh, đúng là đã chết rồi, tim cũng ngừng đập, đành thở dài bảo anh Đô: “Mình chôn anh ấy đi thôi!”
Tôi lấy xẻng công binh ra định đào hố, Cả Oa đứng cạnh vội ngăn lại, chỉ xuống dưới đất, lắp bắp: “Bọ, lửa!” Cả Oa nhắc nhở, tôi mới nhớ ra lúc nãy vì muốn đào hố chôn xác người kỹ sư bị ngã chết, kết quả là đào ra được một con bọ quái quỷ, cả đội mười bốn người, vậy mà chỉ trong vài phút kinh hồn khiếp vía ấy đã chết mất mười người, xem ra đất đai nơi này không thể tùy tiện đào bới được, có trời mới biết dưới đó cá cái quỷ gì.
Nhưng dẫu thế nào cũng chẳng thể để thi thể đồng đội phơi ra bên ngoài như thế này được, đành phải áp dụng biện pháp chiết trung vậy. Tôi cầm đèn pin soi cho Cả Oa và anh Đô đi nhặt đá vụn chung quanh mang về đắp lên xác anh Lưu, coi như dựng một ngôi mộ đá thô sơ cho anh vậy.
Trong khi suốt quá trình đó, Lạc Ninh từ đầu chí cuối cứ ngồi bất động một chỗ, lặng nhìn ngôi mộ đá của anh Lưu, cuối cùng chẳng thể cầm lòng hơn, khóc òa lên nức nở, nỗi đau đè nén trong lòng bấy lâu trào dâng lên như nước vỡ bờ.
Tôi định khuyên giải cô, nhưng quả thực cũng không biết phải nói gì nữa, bị tiếng khóc của cô làm xúc động, mũi tôi cũng thấy cay cay, lòng như dao cắt, nhớ lại tối qua cả đội cùng ngồi quây quần quanh lửa trại hát vang khúc quân ca, tiếng ca ấy cơ hồ vẫn còn văng vẳng bên tai, vậy mà hôm nay hầu hết đồng đội đã mãi mãi ngủ yên dưới dòng sông Côn Luân lạnh giá.
Tôi dìu Lạc Ninh đứng dậy, cùng cúi đầu mặc niệm anh Lưu và những đồng đội khác. Thời đó, bất kể là trường hợp nào cũng phải trích dẫn lời trong Tuyển tập Mao Trạch Đông, tôi cất giọng đọc trước: “Khắp trời rải trắng, trong tuyết hành quân lòng sốt sắng.”
Ba người còn lại cùng đồng thanh tiếp lời: “Chóp mũ non cao, vượt ải tung bay ngọn cờ đào. Duy kẻ hy sinh chí khí lớn, dám xoay nhật nguyệt đổi trời nao!”
Nói đoạn, mọi người cùng giơ tay phải tuyên thệ: “Các chiến hữu, các đồng chí, xin hãy yên lòng ra đi, con người ta có cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng cũng có cái chết nặng hơn núi Thái, cái chết vì lợi ích của nhân dân là cái chết nặng hơn núi Thái, các anh đã hy sinh cho lợi ích của nhân dân. Chúng tôi nhất định sẽ kế thừa ý chí của các bậc tiền bối cách mạng, nhất định sẽ nối gót bước tiếp con đường cách mạng đã nhuộm đỏ máu các đồng chí, tiến hàng triệt để công cuộc Đại Cách mạng Văn hóa của giai cấp vô sản, thắng lợi cuối cùng vĩnh viễn thuộc về giai cấp công nông binh chúng ta!”
Lúc ấy tôi vẫn là tân binh, chưa từng tham gia lễ truy điệu đồng đội bao giờ, chẳng biết nên nói thế nào mới phải, chỉ nhớ trong các cuộc họp người ta đều nói như vậy, mà trong tình huống bấy giờ, cũng chẳng cần biết có thích hợp hay không nữa rồi.
Một lúc rất lâu sau, mọi người mới bình tĩnh lại, xử lý qua loa các vết thương trên người, cũng may chỉ toàn thương nhẹ, không ảnh hưởng gì tới việc đi lại. Chúng tôi ăn vài miếng bánh khô rồi tụm lại bàn xem tiếp theo nên làm gì. Thoát ra từ khe núi bị tuyết lấp kín là điều không thể, tôi đoán cả khe núi lúc nãy có lẽ đã bị tuyết lấp phẳng, giờ chỉ còn cách tìm đường ra khác mà thôi.
Cả Oa vỗ vỗ vào túi đạn rỗng trên mình tỏ ý đạn không còn nhiều nữa, lúc vào núi, vì phải mang theo nhiều thiết bị cho nên chúng tôi chỉ được phân đạn dược theo định mức thấp nhất, mỗi người chỉ trang bị có ba băng đạn, dù sao thì cũng không phải nhiệm vụ chiến đấu, vùng này cũng không có thổ phỉ gì. Vừa nãy khi tuyết lở bọn tôi lại vất một phần đạn dược, giờ mỗi người chỉ còn lại tầm hai mươi viên, tổng cộng còn có hai quả lựu đạn nữa. Dưới đất chắc chẳng có thú dữ, đạn nhiều cũng chẳng để làm gì, đủ phòng thân là được.
Nhưng lương khô thì đã hết sạch, thứ ăn được thì vừa nãy ăn cả rồi, trong hai ngày tới nhất thiết phải nghĩ cách tìm được lối ra, nếu không cũng sẽ chết đói ở đây mất. Điều may mắn duy nhất trong nỗi bất hạnh chính là trên người Lạc Ninh vẫn còn một chiếc la bàn.
Độ sâu của khe nứt này quá sức tưởng tượng của chúng tôi, sau khi đi một đoạn về hướng Nam thì hết đường, vết nứt chuyển sang hướng Bắc, theo cảm giác thì hình như chúng tôi đang đi phía dưới Sông Băng.
Trong bóng tối, chúng tôi đi độ mười tiếng đồng hồ, càng đi địa thế càng dốc xuống, không gian cũng mỗi lúc rộng ra, Lạc Ninh dùng máy đo khí áp đo thử, đổi chỉ số khí áp ra thành độ cao so với mặt nước biển tương đương thì chỉ có hơn bốn trăm mét, xấp xỉ với vùng Tứ Xuyên và thấp hơn rất nhiều so với độ cao hơn bốn nghìn mét của cao nguyên Thanh Tạng, nếu cứ đi xuống dưới nữa thế này, sợ rằng sẽ đi vào tâm trái đất mất.
Địa thế cuối cùng cũng bằng phẳng lại, bên tai loáng thoáng nghe thấy tiếng nước chảy xiết, dường như cách đây không xa có một con sông ngầm lớn. Tôi thấy có lẽ đường không dốc nữa, liền lấy đèn pin soi khắp chỗ xem liệu có đường nào lên trên không, bỗng nhiên phát hiện ra ánh sáng đèn pin gặp phải vách đá, lóe lên những tia phản quang yếu ớt, như soi vào vô số mảnh gương vỡ vậy.
Lạc Ninh kinh ngạc thốt lên: “Là mi ca đấy!”
Ba chúng tôi thấy Lạc Ninh bảo là mi ca cũng chẳng biết là thứ gì, nhưng nghe giọng cô dường rất kinh hãi, nên đều ngỡ có chuyện khẩn cấp, vội vã chạy lên trên che chắn cho cô, chúng tôi rút cây súng trường tự động kiểu 56 trên lưng xuống với tốc độ nhanh nhất có thể, mở chốt an toàn lên đạn tanh tách, chuẩn bị ngắm bắn.
Lạc Ninh ngạc nhiên hỏi: “Mấy anh làm gì vậy?”
Tôi vừa giương súng phòng bị, vừa hỏi lại Lạc Ninh: “Mi ca gì? Con nào? Ở đâu?”
Lạc Ninh trả lời: “Không phải là con gì, ý tôi bảo rằng chung quanh đây toàn là các tinh thể, mi ca và thạch anh thông thường đều xuất hiện ở cùng một địa tầng, a, quả nhiên cũng có thạch anh này!”
Tuy Lạc Ninh chủ yếu phụ trách công việc đo vẽ bản đồ, nhưng thường xuyên làm việc cùng đội thăm dò địa chất, kiến thức của cô về các khoáng chất cũng không ít, tinh thể tựa như những mảnh thủy tinh xung quanh chúng tôi là một loại tinh thể monoclinic, chỉ xuất hiện trong lớp nham tầng song chất từ thời thái cổ, có rất nhiều ở lòng đất vùng Hà Bắc. Nhưng loại mi ca ở đây hình trụ lục giác, lại có màu sắc rất đậm. Chất lượng hơn hẳn loại hàng nội địa, chỉ nhìn màu sắc mi ca, có thể biết vị trí chúng tôi đứng hiện giờ đã sâu đến mức khó có thề tưởng tượng nổi rồi.
Lạc Ninh bị cuốn hút bởi những khối mi ca hiếm có, xem hết khối này đến khối khác, tôi tiện tay nhặt một khối nhỏ lên xem, nhưng chẳng thấy nó có chỗ nào giá trị hết.
Lúc ấy bỗng dưng nghe thấy tiếng anh Đô gọi Cả Oa: “Cả Oa! Mày làm gì thế? Mau đứng dậy đi!”
Tôi liền soi đèn pin, thấy Cả Oa đang bò rạp người trên mặt đất, dập đầu vái lạy theo kiểu người Tạng, thằng nhóc này làm gì vậy nhỉ? Đập đầu lạy ai? Tôi lại soi đèn lên phía trước mặt cậu ta, không khỏi thở hắt ra một hơi lạnh toát.
Trong lòng đất ai ngờ lại sừng sững một ngôi tháp gỗ hình chữ “kim” (… ) ghép bởi hàng ngàn cây gỗ lớn, trên tháp lấp lánh muôn vàn tia sáng đỏ, mượn nguồn ánh sáng yếu ớt ấy, có thể thấy nền tháp rộng gần hai trăm mét, đầm bằng đất và đá; thân tháp dựng bằng gỗ bách ngàn năm, cả thảy có chín tầng, mỗi tầng đều chất đầy những bộ hài cốt khô đét mặt trang phục cổ quái, già trẻ gái trai có đủ, trên mỗi cây gỗ lại khắc đầy những văn tự kỳ bí của người Tạng. Đây là một ngôi mộ sao? Quy mô lớn như vậy, là ai đã dựng nó dưới lòng đất này chứ?
Lạc Ninh từ nãy tới giờ vẫn mải xem xét mi ca, nghe thất chúng tôi xì xào, cũng chạy tới gần xem sao.
Tôi huơ tay tỏ ý bảo anh Đô đừng nói xen vào, tiếp tục hỏi Cả Oa: “Đây là tháp gì vậy? Những chữ viết trên kia cậu đọc hiểu không?”
Cả Oa lắc đầu lia lịa.
Tôi nói tiếp: “Dớ dẩn thật! Không hiểu thì dập đầu làm gì? Thấy nhiều xương cốt quá nên sợ ngây ra hả?”
Mặt Cả Oa đầy vẻ hoảng loạn, cậu ta run run nói bằng thứ tiếng phổ thông không mấy sõi: “Nhât bảo Oa noi, Oa không biêt nói, cư bắt Oa noi, đây.. là… là… lầu ma… chin… chín tầng.”
Nửa câu trên tôi nghe không hiểu lắm, nhưng bốn chữ cuốn cùng thì nghe rất rõ ràng, lại hỏi dồn: “Lầu ma chín tầng nào? Dùng để làm gì? Chẳng phải là để chôn người chết sao?”
Chưa đợi Cả Oa trả lời, Lạc Ninh đã rón rén chạy từ chân tháp lại, rồi ra hiệu cho chúng tôi không được lên tiếng, sau đó chỉ về phía ngọn tháp sau lưng khẽ bảo: “Chớ có kinh động đến chúng.”
Tôi nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của Lạc Ninh, biết rằng chắc gặp phải rắc rối rồi, nhưng không biết cô định nói đến thứ gì, nên bèn hạ giọng hỏi: “Kinh động cái gì? Xác chết trong tháp ư?”
Lạc Ninh vô cùng căng thẳng đáp: “Không, là lũ bọ lửa, chúng ngủ trong xác chết, nhiều không đếm xuể!”
Nghe Lạc Ninh nói vậy tôi mới phát giác, hóa ra những điểm sáng đỏ chi chít trên thân tháp chính là do lũ bọ trong suốt kia phát ra.
Tuy nói rằng tôi ít nhiều cũng có khí phách không biết sợ của một quân nhân cách mạng, nhưng hễ nghĩ đến con bọ lửa cổ quái kia, trong lòng tôi lại cảm thấy hoảng sợ vô cùng. Cái loại sinh vật nằm ngoài thường thức này thực sự quá khó đối phó, nỗi sợ mà cảnh tượng thảm khốc trong khe núi để lại trong tôi quả thực quá đỗi ghê gớm.
Tôi ra hiệu cho cả bọn lặng lẽ rút về đường cũ. Nhưng mới được vài bước, Cả Oa bỗng hẫng chân ngã xuống một cái rãnh.
Cái rãnh này khuất mắt, lại song song với đường chúng tôi đi, cho nên lúc vào đây chẳng ai phát hiện ra cả. Rãnh tuy chỉ sâu hơn một mét, nhưng Cả Oa vẫn kêu lên một tiếng khe khẽ, tôi vội nhảy xuống dìu cậu ta lên, chỉ thấy Cả Oa ôm chân, vẻ mặt hết sức đau đớn.
Bấy giờ Lạc Ninh và anh Đô cũng theo nhau xuống dưới rãnh, đèn pin vừa soi tới, liền phát hiện ra Cả Oa bị một khúc xương nhọn sắc đâm thủng cả giày lẫn chân, máu chảy xối xả. Dưới rãnh, khắp nơi toàn xương động vật trắng nhờ chồng chéo lên nhau, số lượng quá nhiều, khó mà tính được. Xem ra cái rãnh chắc là hố tuẫn táng trâu, ngựa, dê chó gì đó.
Để khỏi kinh động đến lũ bọ lửa trong tháp, anh Đô lấy tay bịt miệng Cả Oa lại không để cậu ta kêu thành tiếng, tôi rút phăng khúc xương ra khỏi chân Cả Oa, Lạc Ninh liền lấy thuốc Vân Nam bạch dược trong túi cấp cứu rắc lên vết thương, rồi lấy bông băng giúp Cả Oa cầm máu.
Trên tay tôi dính đầy máu chảy ra từ chân Cả Oa, tiện tay bèn quệt luôn vào bộ quân trang mấy cái, trong đầu chợt nghĩ ra một ý nghĩ, cái hố tuẫn táng trâu ngựa này rõ ràng rất quái lạ, nó không phải hình trón cũng chẳng phải hình vuông mà lại đào thành một cái rãnh dài, thông thẳng đến tòa tháp gỗ nơi đặt thi thể, hình dạng như vậy thật khớp với loại bố cục được đặt tên là “Nhiếp” được nhắc đến trong Phong thủy bí thuật, nếu thực là thế thì ở vị trí song song với rãnh này hẳn còn một rãnh tuẫn táng khác có quy mô tương tự.
Hai rãnh tuẫn táng song song, kẹp chặt ngôi mộ kết cấu tháp gỗ, tạo thành thế “lưỡng long tranh châu”, theo lý đó mà suy đoán thì rãnh bên kia hẳn tuẫn táng nhũng đồ dùng thường nhật của chủ mộ. Có điều không biết hai rãnh tuẫn táng này là do thiên nhiên hình thành hay do con người tạo ra nữa, nhưng xem chừng khả năng thứ nhất có vẻ nhiều hơn.
Tiếng nước chảy gần đây nghe rất lớn, dựa theo tiếng nước chảy mà phán đoán thì khả năng nó nằm ở hướng Tây Bắc, cũng có nghĩa là phía sau lầu ma chín tầng có một con sông ngầm dưới đất, bởi “rồng” không thể rời khỏi nước được.
Nếu quả thật mọi việc như tôi dự đoán thì bản đồ khu vực dưới lòng đất này sớm đã nằm gọn trong đầu tôi rồi, chỉ có điều phải tìm ra nốt cái rãnh tuẫn táng thứ hai mới có thể chứng thực được những suy đoán của tôi mà thôi.
Anh Đô hẩy vai tôi gọi: “Nhất! Có chuyện gì thế?”
Tôi đang bần thần, bị hẩy một cái liền định thần lại, vội hỏi Lạc Ninh: “Kỹ sư Ninh, cô có thể tính ra được vị trí chúng ta đang đứng hiện giờ không? Đại khái nó nằm ở chỗ nào trong bản đồ vậy?”
Lạc Ninh lấy la bàn ra tham chiếu với bản đồ rồi tính toán một lúc, cô trầm ngâm giây lát rồi trả lời: “Chúng ta đã đi một mạch về hướng Bắc phải mười mấy giờ đồng hồ rồi, dựa theo tốc độ của chúng ta thì chắc đã vượt qua Sông Băng trên đầu từ lâu, có lẽ đã sắp ra khỏi dãy Côn Luân rồi.”
Tôi nói ra những suy nghĩ vừa rồi, đoạn nói: “Bây giờ nếu đi ngược trở lại, chỉ có thể về tới chỗ khe núi bị tuyết bịt kín, và nếu tôi đoán không nhầm, chúng ta đi men theo con sông ngầm này, chắc sẽ tìm được đường ra. Nhưng làm như vậy thì phải mạo hiểm đi qua bên dưới lầu ma chín tầng, là phương án tìm ra sự sống trong cái chết.”
Bốn người bàn bạc một hồi, cảm thấy nếu làm vậy tuy đầy rẫy nguy hiểm, nhưng cũng đáng để mạo hiểm một lần, có điều tôi quyết định phải đi tìm rãnh tuẫn táng thứ hai trước đế chứng thực cái đã.
Trước khi hành động, tôi hỏi Cả Oa, rốt cuộc lầu ma chín tầng là gì.
Cả Oa nói tiếng phổ thông rất vất vả, lắp bắp mãi cuối cùng tôi mới hiểu được phần nào, ở Huyết Vị, quê nhà cậu ta, cũng có một di tích giống y như tòa lầu ma chín tầng này, tương truyền “lầu ma chín tầng” chính là kiểu lăng tẩm quàn cữu của các vua chúa Ma quốc thời cổ đại, khi Ma quốc diệt vong, ngôi mộ đó đã bị vị vua anh hùng Kasar phá hủy, ngày nay trên cao nguyên Tây Tạng chỉ còn lại một đống khung gỗ đổ nát và bản trường ca truyền miệng của mục dân, đời đời ca tụng chiến công lừng lẫy như mặt trời của đức vua Kasar.
Mỗi khi mục dân người Tạng đi qua di tích này, họ đều phải rạp người vái lạy, ngâm hát sử thi. Điều này hoàn toàn không phải vì sợ hãi lăng tẩm của vua chúa Ma quốc, mà để bày tỏ lòng tôn kính với vua Kasar. Cả Oa còn nói mấy chuyện liên quan đến tôn giáo, nhưng tôi không hiểu lắm, lũ bọ như thứ lửa ma kia có phải là những vong linh đang yên nghỉ trong mộ hay không cũng khó mà biết được.
Tôi để ba người bọn Lạc Ninh ở nguyên chỗ cũ, một mình bò lên trước, cách rãnh tuẫn táng trâu ngựa độ hơn trăm mét quả nhiên có một rãnh tuẫn táng khác đầy những ủng da cổ, đồ đồng, đồ trang sức, thú gỗ, thẻ gỗ ghi văn tự cổ của người Tạng, người Mông, lương thực và một lượng lớn những đồ gấm lụa tùy táng.
Xem ra tôi suy đoán quả không sai, dòng sông ngầm phía sau lầu ma chín tầng chắc chắn thông ra bên ngoài, liền lẳng lặng quay lại rãnh tuẫn táng động vật gọi ba người kia tiếp tục lên đường.
Tôi đi trước mở đường, anh Đô vác súng theo sau, thứ đến là Cả Oa, vết thướng ở chân cậu ta không nhẹ, Lạc Ninh phải đi phía sau dìu cậu ta.
Lầu ma chín tầng rất lớn, hang động ngầm này vốn dĩ rất rộng, nhưng tòa lầu này và hai dải mi ca hai bên gần như đã chặn tắc con đường đi về phía Bắc, hai mé bên cạnh chỉ còn lại hai khe rất hẹp, miễn cưỡng có thể lách qua.
Chúng tôi đi qua bên dưới tòa tháp trong một nỗi lo nơm nớp, nhìn những con bọ lập lòe như những đốm lửa trong tháp, cảm giác tim mình như muốn bắn ra khỏi lồng ngực, quãng đường dưới chân tháp chỉ vẻn vẹn hai trăm mét, nhưng bước nọ cách bước kia sao mà xa xôi đến thế!