Lần đầu viết truyện ma ( New 2020 ) - Câu chuyện thứ 23
Người ta thấy bà hủi nằm chết cứng đờ ở ngay chỗ cây mít nhà ông Dậu thì sợ lắm. Sợ vì bà này chết nhìn ghê quá, lúc này người ta không biết bà chết vì cái gì, cũng không ai kiện cáo kêu thán nên chẳng ai điều tra. Nhà chùa thấy thương tình mới đưa bà hủi về chôn ở sau chùa. Từ hôm bà hủi chết thì ở gốc mít bắt đầu có chuyện lạ. Xóm em nhiều chó lắm, tối nào cũng hết con này rồi tới con kia sủa cắn ma. Thế nhưng được vài hôm thì có mất nhà bị bắt trộm chó. Người ta kháo nhau tìm thủ phạm để đánh cho què chân, nhưng không tìm được ai. Được mấy hôm thì nghe mùi thối bay khắp nơi từ sọt rác nhà ông Bảy, xóm giềng góp ý, bảo nhà ông này rác chưa đầy sọt nhưng đổ đi, để thế không ai ngửi được. Ông này vừa quay vô nhà mang nốt rác ra, vừa đi ra thì thấy mấy con chó nhà ông đang đu lên cái sọt rác lớn ngửi ngửi, bất giác chúng nó kéo đổ cả sọt ra sân luôn. Mọi người ai cũng kinh ngạc: phía dưới lớp rác là xác những con chó bị mất và đang trong quá trình phân hủy, con nào cũng bị xé toạc họng ra, chết nhăn răng. Người ta bu đen lại xem ông Bảy với mấy nhà mất trộm chó cãi nhau. Người ta đinh ninh ông Bảy ăn trộm chó, còn ông Bảy thì chối đay đảy, nói là nếu ăn trộm thì bỏ sọt rác làm gì, ông bán lấy tiền cho rồi. Cãi nhau một lúc thì ai lại về nhà nấy vì chẳng ai chịu ai, không về mà xô xát đánh nhau thì thành ra to chuyện.
Nhà ông Dậu có một đứa con, lúc này được tầm 2 tuổi nhưng chưa nói sõi. Chiều nào vợ ông Dậu cũng bế đứa con ra ngoài cửa ngồi chơi, hóng người qua đường. Sân nhà này có bóng râm của cây mít trồng sát bên đường nên mát lắm, lâu lâu mấy bà trong xóm cũng xách mấy rổ rau bí qua tước, rồi buôn chuyện. Mấy bà đang ngồi nói rôm rả, nói đến đoạn thằng bé nhà ông Dậu chậm nói, một bà trong đấy cứ nói thằng bé gọi cô ơi. Thằng bé nhìn bà đấy xong bất giác quay ra gốc mít đưa tay chỉ: “Ma, ma” nó nói rõ từng tiếng một, nó lững thững đi lại gần gốc mít, quay lại nhìn mọi người, chỉ tay vào gốc mít: “ma, ma” rồi nó phá lên cười đắc ý. Mấy người kia thấy thế mới nghĩ chắc trẻ con nó nói linh tinh thôi, còn cô Dậu thấy con mình cư xử lạ lùng mới lại bế nó vào ngồi ở thềm nhà. Vừa bế nó lên thì nó giãy khỏe lắm, đòi ra gốc mít chơi. Mẹ nó bực mình quá phát cho mấy cái vào đít, thế là nó khóc ăn vạ luôn…
Tối. Tụi nó rủ nhau chơi trốn tìm, thằng Huy rủ tụi em trốn ở mấy bụi cỏ lau cạnh gốc mít. Đang trốn thì nghe tiếng rên khóc: “đói quá, lạnh quá, tôi chết lạnh quá” phát ra từ phía trên cây mít. Tụi em sợ lắm, đứa này bảo đứa kia ngó lên nhìn thử, ngó lên thì thấy có bóng người trên cây mít, bóng người đấy gầm lên một tiếng, thằng Huy hét lên: “Bà hủi hiện hồn về” cả lũ sợ quá đứng dậy chạy đi hết. Về tới sân nhà ông Tiến, tụi em thở dốc ngoái lại nhìn, cái bóng đen từ trên cây mít tụt xuống đất và chạy lại chỗ bọn em. À thì ra là thằng Thành, nó với thằng Huy hùa nhau bày trò trêu tụi em. Tụi em tức lắm mà không làm gì được, vì hai thằng nó là lớn nhất.
Tụi em định bỏ về nhà nhưng tụi nó cứ rủ chơi nữa, lần này thằng Huy xung phong đi tìm coi như chuộc lại lỗi lầm trước đó. Nhưng thằng này chơi giỏi lắm, nó tìm rồi bắt được gần hết, còn đúng thằng Thành, nó đi tìm mãi không thấy. Thấy có bóng người lấp ló phía sau gốc mít, nó nghĩ là thằng Thành, mới chạy ra thấy người này ngồi thu lu, úp mặt vào gốc mít, thằng Huy vỗ vai nói: “Bắt được mày rồi nhé Thành!” Lúc này “thằng Thành” quay ra thì không phải nó, mà là bà hủi, thằng Huy sợ quá đái ra quần, chạy thẳng về nhà. Thằng Thành trốn trên cây mít thấy thằng Huy tự nhiên bỏ chạy mới tụt xuống đi lại chỗ tụi em hỏi thì không đứa nào biết chuyện gì. Qua tới hôm sau thằng Huy sốt cao lắm, phải đưa đi truyền nước, mãi tới chiều mới tỉnh. Nó kể chuyện bà hủi thì không ai tin, cho rằng nó còn bị sốt nên mê man.
Trừ mấy nhà tới đây ở từ trước mới có sân sau hoặc có vườn, mấy nhà tới ở sau này thì thường là mua lại những căn nhà nhỏ, hoặc những căn đã được cắt đất đằng sau bán cho nhà khác để làm vườn hoặc xây nhà, nên mấy nhà như vậy thường không có sân sau. Mọi hoạt động giặt giũ phơi phóng đều là ở đằng trước nhà hết, điển hình trong xóm là nhà làm lò bánh mì. Nhà này chỉ có 2 vợ chồng và một đứa con nhỏ mới sinh được 2 3 tháng. Cô vợ hay giặt giũ tã với quần áo cho con lúc sáng hoặc non trưa, phơi ở cái sào trước nhà rồi tới tối thì cất đồ vào. Tối hôm đấy, như thường lệ cô cất đồ vào nhà thì thấy trong đám đồ đang phơi có treo một cái khăn mỏ quạ dệt thổ cẩm, màu vàng đen. Cô này nghĩ thầm trong bụng: “Rõ ràng là mình không có giặt cái này, trong nhà cũng không ai dùng, thì không biết là của ai?” Vừa nghĩ thế thì cô nghe tiếng con bé trong nhà khóc ré lên, cô vào dỗ nó được một lúc, thì khi đi ra, thấy cái khăn biến mất tiêu. Mang quần áo trở vô nhà, cô thấy có người đang ngồi cạnh đứa con của mình, một người đàn bà gầy trơ xương, mặc bộ quần áo vừa bẩn vừa rách nát, cổ có quàng chiếc khăn vàng đen vừa nãy. Cô giật mình nhận ra đấy là bà hủi, bà này quay ra nhìn cô cười nhe ra hàm răng nhuộm đen còn lại có vài chiếc, cô này hét lên: “Ma, ma…” rồi chạy ra ngoài sân hô hào làng nước. Lúc này mới chỉ có khoảng 7 giờ tối nên mọi người còn thức, nghe tiếng la làng, người ta chạy ra coi, cô vợ kể sự tình. Mọi người vô nhà thì thấy con cô này vẫn ngủ ngon, không thấy ai như lời cô này kể cả.