Lần đầu viết truyện ma ( New 2020 ) - Câu chuyện thứ 21
Ngày đấy em đã học mẫu giáo lớn rồi, trường em học ngày ấy cũng bé lắm, ngoài cổng đi vào thì có sân chơi, có xích đu, vô cái sảnh nhỏ dẫn ra 2 lớp, một lớp 3 4 tuổi, một lớp 5 tuổi. Hành lang phía ngoài dẫn ra hai cánh, một bên là phòng hiệu trưởng, cũng là phòng họp giáo viên, môt bên dẫn ra nhà bếp. Như em đã kể thì cái trường này dễ thương lắm, phía sau toàn mồ mả các kiểu thôi, sau này nữa thì mới được bốc đi rồi xây thành cái sân chơi cho mấy đứa nhỏ sau lứa của em.
Năm em đi học cũng là cái năm trường này mới xây, em đi học từ năm 4 tuổi nên thành ra học 2 năm mẫu giáo cơ. 🙂 Học ở đấy hết một năm đầu, vì mất cái bùa này lại được cho cái bùa khác nên mọi thứ còn bình yên với em lắm. Mãi sau này khi bác em về ngoài Bắc cả năm trời không vào, làm mất bùa bình an lần thứ N thì mọi chuyện kì dị lại xảy ra.
Ngày ấy, cứ buổi trưa em ngủ là lại thấy cô Thu nằm cạnh thằng Nam, ôm nó, vỗ vỗ cho nó ngủ, vì thằng này quấy lắm, lại hay đá.i dầm ướt chiếu vì không dám gọi xin cô đưa đi. Cô nằm sẵn đấy, nếu nó có nhu cầu thì chỉ cần ới là cô đưa nó đi ngay. Cô Thu hiền lành dễ thương lắm, trong trường cô nào cũng đánh tụi nghịch như em, nhưng cô Thu thì không. Trẻ con mà, thấy ai hiền với mình thì quý lắm lắm, nên lúc nào tụi em cũng xúm xít lại xung quanh cô. Tuy vậy, em ghét đi học lắm, toàn chạy ra hàng rào đứng nhìn ra ngoài, hóng xem có ai quen đi qua thì kêu cứu. Mỗi nửa buổi thấy cô Xoan, em gái bố em đi chợ ngang qua là em lại ới theo:
– Ối cô Xoan ơi, cứu cháu với.
Hôm đầu cô còn tưởng em bị gì, tá hỏa lại gần hỏi thì em bảo là: “Người ta bắt cháu đi học, cô cứu cháu với” :too_sad: cô vừa cười vừa chửi em là cái đồ của nợ, tưởng gì ghê gớm, rồi cô bỏ đi. Không dừng lại ở đấy, Em kêu cứu nhiều ngày không được, thì tức lắm, một hôm nọ em thấy khe hàng rào cạnh phòng hiệu trưởng hở toang hoác, thế là em chui ra. Loay hoay một lúc, áo mắc vào hàng rào B40 rách cả vai, thế là em vượt ngục thành công, lon ton chạy về. À mà ngày xưa ngu lắm, đã trốn học rồi còn chạy thẳng về nhà, mẹ đang bán phở thấy em về thì hỏi:
– Ơ, mày đi đâu đây?
Em còn hiên ngang trả lời lại:
– Con chui hàng rào về, bố cứ bắt con đi học ý!
Mẹ em đang bán phở đông khách, con cái thì hư đốn trốn học về nhà nên nổi cơn tam bành, mẹ lấy cán chổi quạt cho 1 chặp 😥 xong gọi điện thoại bàn lên trường, nhờ các cô qua nhà đón em đi học. Cô Thu đến đón em, mẹ còn cằn nhằn là mấy cô trông thế nào cho nó chui rào trốn về thế. Cô dạ dạ xin lỗi rồi đưa em về lại trường.
Về tới nơi em sợ bị đánh như tụi khác lắm, cái thước gỗ của mấy cô to ơi là to ý, có gan trốn học nhưng vẫn biết sợ. Vào đến lớp em vẫn bù lu bù loa khóc vì mẹ đánh, còn cô Thu không đánh mắng em gì cả, cô dỗ mãi rồi còn cho ăn hoa quả, nên em cũng nín nín. Từ đấy trở đi em không dám chui rào nữa, phần vì tối về bị bố đánh tăng 2, phần vì thấy quý cô Thu lắm, không chán đi học nữa.
Tưởng mọi chuyện cứ yên bình thế đấy, mà tới một ngày, bọn em không còn thấy cô Thu đâu nữa, chỉ nghe loáng thoáng người lớn kháo nhau: Cô Thu chết rồi.
Ngày đấy đâu biết sống chết là gì, nhưng em thấy bên nhà hàng xóm mỗi lần có đám ma, người ta bảo ông này, bà kia chết, mà chết thì tức là không còn nữa, không gặp được nữa, cũng không còn chơi với em nữa. Vì thế nên khi biết chuyện cô Thu chết rồi, em khóc lóc kể lể cho mấy đứa trẻ trâu trong lớp, tụi nó cũng khóc theo luôn. Nguyên hôm đấy các cô dỗ tụi em mệt nghỉ. Từ sau hôm ý trở đi, em đi học lúc nào cũng thấy buồn vì không còn cô Thu, nhưng vì tính trẻ trâu, nghĩ người lớn lừa mình, em định chui rào lần nữa trốn về nhà, để cô Thu lại đi đón, mà ra tới nơi thì thấy hàng rào được gia cố lại rồi. Các cô biết thành tích trốn trại của em thì ra lôi em vào lớp, chứ không dám cho em sáp sáp lại gần đấy nữa.
Trưa, tới giờ đi ngủ, mấy hôm đầu thằng Nam lại đái dầm, các cô phải chà chiếu liên tục cho nó. Bẵng đi vài hôm tự nhiên nó không còn đái dầm nữa. Có những lần, trong lúc em thiu thiu ngủ, em thấy cô Thu đang vỗ cho thằng Nam ngủ, xong lại đi vòng quanh lớp, quạt cho đứa này, vén chăn cho đứa kia. Cô còn xoa đầu em nữa, vẫn giọng nói quen thuộc của cô bảo em ngủ đi, không chiều lại mệt. Bình thường em hay bị thao thức nhưng lúc đấy, chả hiểu sao em ngủ thiếp đi luôn.
Chiều chiều lúc tụi em được học vẽ, em thấy cô ngồi trong một góc tường, chẳng nói chẳng rằng gì với ai. Em mang bài vẽ ra khoe cô, bảo:
– Cô Thu nhìn xem, con vẽ đẹp không?
Cô Tâm với cô Hoạt đang trông lớp, thấy em đi ra góc nhà, nói tên cô Thu, thì sợ lắm, mới hỏi em nói chuyện với ai đấy. Em nói:
– Cô Thu đây này, các cô điêu nhớ, người lớn mà điêu nhớ, bảo cô Thu chết rồi.
Hai cô nhìn nhau kinh hãi, đi ra lôi em về chỗ ngồi, bảo em ngồi ngoan vẽ bài đi. Em quay lại không thấy cô Thu đâu nữa thì đi về chỗ ngồi, em còn nghe hai cô còn thì thầm trấn an nhau là chắc trẻ con nó nói linh tinh thế thôi. Tới chiều về, em khoe bố mẹ là hôm nay đi học, gặp cô Thu, còn bảo các cô lừa con là cô Thu không đi dạy nữa. Bố mẹ em nghe xong câu chuyện lại quát em, bảo em ăn nói linh tinh. Nhưng qua tới hôm sau, thằng Nam đang chơi xích đu ngoài sân thì tự nhiên nhoài người ngã xuống, trầy hết hai đầu gối, các cô phải chạy ra đỡ lên. Thằng này mọi lần ngã thì khóc to lắm, nhưng hôm nay nó không khóc, nó đứng dậy xong vẫn với theo:
– cô Thu, cô Thu kìa, cô Thu ơi…
Nó cứ chỉ theo hướng lớp học mà khóc lóc, dãy nảy lên. Em nhìn vào trong thì thấy dáng cô Thu lờ mờ với cái sơ mi trắng chấm bi xanh, đang đứng ngay cửa sổ nhìn ra ngoài, mặt cứ buồn buồn. Rồi đến lượt em nhanh nhảu:
– A, cô Thu, cô Thu kìa!
Em chạy vào trong lớp thì không thấy cô đâu, các cô chạy theo em xem luôn, nhưng cũng không thấy ai cả. Lúc này mấy cô hãi lắm rồi, mới mang chuyện kể cho cô hiệu trường nghe. Ngày đấy những nơi như trường học hay cơ quan công quyền đều bị cấm tuyên truyền mê tín dị đoan các thứ nên việc treo các vật phẩm phong thủy hay bùa chú là không có. Nhưng sang tới hôm sau, lúc tụi em đang học thì thấy các cô bày mâm cúng ở trước sân, rồi còn có một cái bác người lạ, đứng cúng khấn gì đó, rồi treo cái gương bát quái lên trước cổng trường học. Từ đấy trở đi, tụi em không còn thấy cô Thu về nữa.