Lần đầu viết truyện ma ( New 2020 ) - Câu chuyện thứ 19
Chuyện về những người bán hàng ăn đêm mà gặp những chuyện tâm linh chắc các bác đã đọc qua nhiều rồi, tình tiết thì cũng na ná nhau, nên chắc chuyện hôm nay không củ hành củ tỏi gì các bác được. 🙂 Nhưng để tiếp nối câu chuyện ở nhà ông Nhạc thì em vẫn kể tiếp nhé. Cách đây hơn 15 năm nhà ông Nhạc được người họ hàng ngoài Bắc vào nhận lại, sửa sang cho tươm tất rồi cho thuê. Người trong vùng biết chuyện không dám thuê lại vì ai cũng sợ, nhưng khoảng một tháng sau thì có một cô tên Mỹ, người Nghệ An đến ở. Cô này chỉ mới gần 30 tuổi, trong trí nhớ của em thì cô này không trắng lắm, nhưng cười rất duyên, cô có một đứa con trai 5 tuổi, không thấy có chồng ở cùng. Mọi người hỏi thì cô bảo chồng cô chết rồi, hai mẹ con bán đất ruộng ngoài quê, khăn gói vào Nam làm ăn. Sau có người quen chỉ cho chỗ này có cho thuê nhà giá rẻ, lại ngay mặt tiền đường nên nhận thuê luôn để bán cháo.
Cô này khéo ăn khéo nói, lại trẻ đẹp, nên bán đắt hàng lắm, cứ tầm tối tối là quán nhà cô này đông nghẹt khách, người tới ăn cháo, người tới nhậu, người còn mua về nữa. Bán được 1 tuần thôi là cô Mỹ phải thuê thêm người rửa chén bưng bê. Hồi này nhà em chuyển sang bán phở từ lâu rồi :feel_good: từ cái hồi đẻ em là mẹ đổi sang bán phở luôn rồi ấy, nên không có bị đụng hàng (giải thích cho mấy bác nếu có thắc mắc). Người đẹp, lại khéo ăn khéo nói nên có nhiều người thích cô này lắm. Cũng nhiều người tới tới lui lui, ngỏ ý muốn che chở, nhưng chưa thấy cô Mỹ ưng đám nào cả, trai tân có, trai bỏ vợ cũng có, mà trai đã có vợ cũng có luôn. Trong đám đấy có một người tên Tuất, chuyên bán gà, nhà nuôi cả vườn, chuyên bỏ mối cho mấy quán ăn cũng bỏ mối cho nhà em làm cỗ nữa. Ông này có vợ, có con lớn rồi, năm đấy ông này 49 tuổi, nhưng nhìn vẫn còn khỏe lắm và cũng rất đô con, đúng kiểu người đờn ông lực điền.:nosebleed:Cô Mỹ chỉ liếc mắt đưa tình thôi, chứ vợ ông Tuất dữ dằn lắm, bảo một ông này không dám làm hai, nên họ chưa dám làm gì. Người ngoài để ý chuyện hai người này thì chỉ dám buôn chuyện nho nhỏ với nhau là ông này thích cô kia chứ chưa dám đồn to. Mà ông Tuất giao gà tới nhà cô Mỹ thì toàn vào tầm nửa buổi lúc chiều, camera chạy bằng cơm ngồi quanh xóm nhổ tóc sâu, vặt rau các thứ nên chỉ dám tới đưa gà rồi đi ngay. Ông không dám nán lại lâu, sợ đến tai bà vợ thì chỉ có tướt xác.
Nhưng chuyện gì đến cũng phải đến, con ông Tuất đua xe bị tai nạn, hai vợ chồng ông thay phiên khăn gói quả mướp lên viện chăm con. Ông Tuất chăm ban ngày còn bà vợ thì chăm ban đêm, mà đây là cơ hội vàng cho ông Tuất trốn sang nhà người đẹp hành sự.
Cô Mỹ bán hàng mãi tới 2 giờ sáng thì hết khách đóng cửa, nên cứ tầm giờ đấy ông Tuất lại mò sang để không ai thấy. Nghe kể lại thì mấy hôm đầu cô Mỹ còn sợ nên đuổi ông Tuất về, dọa là sẽ gào lên cho làng nước nghe thấy, ông này nghe thế chỉ làm vài chén nước chè rồi bỏ về chứ không dám ở lại lâu. Vài hôm sau, con cô Mỹ ốm, cô phải nghỉ bán chăm con,ông Mỹ đánh hơi được thì tới phụ cô chăm thằng bé rồi mua cho nó nào quà nào sữa, rồi còn phụ cô dọn dẹp nhà cửa, nên cô Mỹ cảm kích lắm. Trong lúc mẹ cút con côi tắt lửa tối đèn mà có người quan tâm tận tình thì dù cứng rắn mấy người phụ nữ cũng sẽ mềm lòng.:still_dreaming: Thành ra hôm đấy ông ngủ lại mãi tới gần sáng mới mò về tránh việc bà vợ nghi ngờ.
Được hai hôm, tới hôm thứ 3 thì không biết linh cảm kiểu gì, bà vợ về nhà lúc nửa đêm, không thấy ông Tuất đâu gọi điện réo ầm ĩ,ông này nghe điện thoại thì sợ lắm, vơ vội quần áo về liền. (Hồi này người ta hay xài điện thoại mẹ bồng con í, chứ vẫn chưa xài mấy cục gạch) Ông Tuất đang định đi về thì cả 2 người này nghe tiếng bước chân rầm rập như ai đang đi ngang, nên sợ lắm, nghĩ là có người ngoài đấy nên ông Tuất không dám ra. Ông này nhìn qua khe cửa một lúc thì hét lên một tiếng thất thanh rồi ngã lăn ra chết cứng luôn, hai mắt trợn trừng lên vẻ kinh hãi. :too_sad: Cô Mỹ thấy ông này lăn vật ra đất mới sợ quá vừa khóc vừa hô hào làng nước. Mọi người dậy chạy sang thì thấy ông Tuất đang nằm dưới đất mặc quần đùi, cúc áo chưa cài nên phanh bụng ra, môi tím tái, mắt cứ trợn lên. Người ta đưa ông lên bệnh viện thì bác sĩ bảo là ông này chết rồi. Công an gọi cô Mỹ với vợ ông Tuất lên đồn làm việc thì câu chuyện dan díu kia mới bị phanh phui ra. Bà vợ ông Tuất còn định đánh cô Mỹ luôn ở đấy nhưng may mà được mấy ông giáo can lại, chứ với thân hình đẫy đà của bà này mà đánh chắc cô Mỹ cũng đi theo ông Tuất luôn. :extreme_sexy_girl: Vì bệnh viện nói ông này bị trúng gió chết, còn chuyện trai gái công an không xử, nên mấy ông giáo chỉ cảnh cáo 2 người này là không được đánh nhau gây mất trật tự an toàn xã hội thôi.
Hôm sau cả xóm đồn ầm lên vụ ông Tuất sang nhà cô Mỹ ấy ấy bị trúng gió chết. Nhiều người dè bỉu nhưng cũng nhiều cánh đàn ông nghe thấy thế vẫn thích lắm, vẫn nói sẽ tiếp tục qua ăn nhậu “ủng hộ” em Mỹ. Nghe thế, gà thì cô lấy mối khác nên chẳng có gì khó để cô mở cửa lại quán cháo vào mấy ngày sau cả. Hôm đầu tiên mở lại quán thì khách vẫn đông lắm, nhưng trong nhà bắt đầu có sự lạ. Ngay chiều hôm đấy, cô không hiểu sơ ý thế nào làm khê cả nồi cháo, phải đổ đi nấu nồi mới. Đến tối bán hàng, người ta nhậu say xong gây sự đánh nhau đập nát hết cả mấy cái bàn ghế nhựa, đập vỡ cả cái tủ kính bày gà vịt với rau các loại luôn. Đánh chán thì lại lôi nhau lên công an, mà đấy là khách lạ nên xong xuôi họ bỏ về, không ai quay lại trả tiền cho cô Mỹ.
Ngày thứ 2 mở cửa cô này sắm cái tủ mới, bàn ghế mới để bán lại thì trời mưa to lắm, mưa như trút nước, ở vùng em khi mưa thì đường rất trơn nên không ai muốn ra ngoài. Hôm đấy cô không bán được cho ai hết, từ tối đến mãi khuya cũng không ai mua hàng. Mưa tạnh được một lúc, cô Mỹ buồn đời định dọn hàng lại thì thấy có người đến ăn, ngồi xuống ghế. Cô này hỏi ông muốn ăn gì thì ông này không nói, cô mới hỏi: “anh ăn cháo hả?” ông này cũng không nói gì, chỉ gật đầu. Cô bưng một tô cháo gà ra để xuống bàn, ông này không ăn, cứ thế nhìn tô cháo. Ngày đấy mỗi nhà chỉ dùng có một bóng đèn sợi đốt vàng vàng trong nhà thôi, nên những bàn ăn khách bên ngoài quán cô Mỹ đều chỉ lờ mờ được chút chút ánh sáng từ cái đèn dầu treo trên chỗ nồi cháo. Qua ánh sáng lờ mờ ấy cô nhận ra khuôn mặt của người quen. Là ông Tuất, Cô Mỹ hét lên sợ hãi: “Maa…. maaaaaa….” rồi chạy tót sang đập cửa nhà hàng xóm cầu cứu. Cô không dám quay lại nhìn phía mấy cái bàn ăn nữa, cứ thế đập cửa uỳnh uỳnh. Người ta mở cửa, nghe cô kể lại rồi ra xem thì chẳng thấy ai, bảo chắc cô này mệt quá nên nhìn nhầm hay thế nào, chứ ông Tuất thì ông ý phải về nhà với vợ con, ai mà lại ra đây để trêu cô bao giờ. Người ta vừa nói vừa cằn nhằn mãi thì cô cũng nguôi nên về dọn hàng rồi đi ngủ.
Ngày thứ 3, cô Mỹ thấy sợ rồi, nên lấy tỏi treo khắp nhà, mong sẽ trừ tà ma quấy phá, rồi lại mở cửa quán như cũ. Hôm nay cũng lác đác vài người mua, mãi sau có một đám 3 4 người thanh niên đi rừng về muộn tới nhậu. Khi ngà ngà say, họ bắt đầu hát hò các thứ, mà hát rồi thì không thể không có tiết mục lấy đũa gõ chén gõ bát theo nhịp. Họ hát được vài ba bài thì bắt đầu cô Mỹ thấy có hiện tượng lạ, tự nhiên cả xóm mất điện, mà ban đêm mất điện cũng chẳng ai ra ngoài sân ngồi, vì chỗ em mùa hè mát lắm, ban đêm cũng xuống 18 20 độ được. Cô Mỹ vào nhà châm mấy cây đèn cầy để gần tủ gà cho sáng, vừa cắm xuống xong thì cô nhìn đằng ngã ba có mấy bóng người lờ mờ, đang tiến lại về phía nhà mình. Mấy cái bóng cứ thoắt ẩn thoắt hiện, đêm đấy không có ánh trăng nhưng vẫn có thể nhìn thấy được mấy người đó ăn mặc rách rưới, người thì cụt tay cụt chân, người thì bò sát dưới đất. Cô sợ quá núp luôn sau tủ kính, chân bước không nổi, còn mấy người thanh niên hình như say, không biết gì nên cứ vừa gõ bát vừa hát liên tục. Cô Mỹ thấy cái bóng đen đi tới ăn đồ ăn ở trên bàn, đoạn bò lại cả chỗ mình, cô như tỉnh ra mới chạy vào trong nhà, leo lên giường ôm thằng con rồi khóc rưng rức.
Được khoảng mười phút sau cô nghe tiếng mấy người thanh niên ngoài kia gọi vọng vào trong nhà. Cô nghĩ mọi chuyện yên ắng rồi nên đi ra, mấy người mới lè nhè chửi, hỏi sao cô lại cho bọn họ ăn gà thiu thối hoắng lên thế này, cháo cũng thiu luôn. Cô mới nói là cháo còn nóng, nãy bưng ra mấy anh ăn không sao giờ lại đổ đồ thiu là thế nào, nhưng cô vẫn nhịn, chiều khách, bảo vào chặt cho khúc gà khác, múc cho tô cháo khác. Lúc bưng ra mấy ông này mới đập đũa xuống bàn gằn giọng chửi: “Mà.y tưởng bố mà.y say không biết gì nên mang đồ ôi thiu ra cho bố mà.y ăn à?” Cô Mỹ tức quá, cãi cháo không thiu, ông kia điên lên mới cầm cả tô cháo ném thẳng vào người cô bảo: “Không thiu thì mà.y ăn cho hết đi!”. Cháo văng hết lên áo cô Mỹ, cô giật mình nghe một mùi thiu nồng nặc bốc lên, chưa kịp hết ngạc nhiên thì bị một thằng thanh niên trong đám đấy túm cổ lại vả cho 2 vả ngã chỏng chơ. Chúng nó chửi, nhổ nước bọt vào mặt cô này rồi bỏ đi. Cô Mỹ vừa đau vừa sợ, khóc lóc, đi dọn dẹp lại thì thấy nồi cháo rõ ràng đang đốt than đỏ lửa thế mà lửa tắt từ bao giờ, than tàn hết còn nguyên một nồi cháo to thì thiu hết cả, cô định bụng bảo chắc là nãy do khóc nhiều quá nghẹt mũi nên không ngửi thấy mùi thiu. Mà không chỉ có cháo, mấy con gà vịt luộc cũng nhão nhoét ra chảy mủ nhớp nhớp và bốc mùi. Đến đây thì cô này sợ lắm rồi, mới định bụng hôm sau đi kiếm thầy coi xem sự thể như thế nào.
Nghe lời mấy bác hàng xóm thì cô Mỹ tìm tới bác em, bác em coi cho xong mới bảo để gọi hồn ông Tuất về nói chuyện. Ông Tuất về, nhập vào ông anh họ em tên là Hoàng, ông cứ nhìn cô Mỹ mà khóc, bác em khai khẩu cho ông này kể lại. Cái đêm hôm ông ý chết, cả hai người đều nghe tiếng chân chạy rầm rập ở ngoài, ông này nghe thấy tưởng người nào đang ở ngoài nên chưa dám đi ra, định nhìn qua khe gỗ xem người ta đi chưa để lẻn ra ngoài mà chạy về nhà trình diện bà vợ. Nhìn qua khe gỗ, ông thấy có 2 người người cao gầy đang khiêng võng, địu trên vai, đang đi ngang qua ngoài đường. Phía trong võng là một cái bóng đen, mặc áo gấm, trông dáng thì là một người đàn ông bụng phệ, nhưng không-có-đầu. Bỗng mấy người đó dừng lại, 2 người khiêng kiệu quay sang đứng lặng nhìn ông Tuất, ông này thấy thế sợ quá mới hét lên chết bất đắc kỳ tử luôn. Mấy hôm bà vợ ông này định sang đánh cô Mỹ mà ông này hiện hồn về dọa nên bà này không dám làm gì cô Mỹ.
Bác còn nói cái nhà này ở thế đất xấu, có nhiều người chết, không thờ cúng thổ địa bao giờ, lại từng thờ quỷ trong nhà nên âm khí nặng nề. Hôm mấy ông kia khua chén đũa vào đúng giờ thiêng nên rủ đám ma đói vào ăn cùng mới xảy ra cơ sự (đất nặng âm nên hút ma quỷ lắm). Mà bác em bảo cô này bị dính duyên âm của ông Tuất rồi, ông này sẽ theo cô này mãi, làm cho chuyện làm ăn của cô không yên ổn. Nếu muốn yên trước mắt thì nên chuyển ra khỏi đất đấy, còn trai gái đũy bợm là thứ bác em ghét nhất nên bác không có cắt duyên âm cho, bảo đây là cái nghiệp của cô này, còn cái đất này muốn trấn yểm thì phải là chủ đất đến hỏi chuyện bác mới yểm được. Còn tỏi cô treo trong nhà ư? Ma không sợ tỏi – Bác em bảo thế. :hungry: Cô Mỹ nghe bác em nói thế thì cứ nài nỉ bác giúp cho, nhưng bác bảo không giúp được nên cũng lủi thủi đi về. Được một thời gian ngắn sau thì cô này chuyển đi, không ở đấy nữa.