Đạo sĩ tản mạn kì - Ám ảnh mỗi khi về quê - Chương 18
Chuyện thứ mười tám: Tự lực cánh sinh
Đi chơi núi về được vài hôm thì thằng D sang rủ em đi câu đêm với nó một bữa cho biết, thấy hay hay nên em cũng nhận lời, hai thằng rủ thêm thằng Việt và thằng N nữa cho vui nhưng thằng Việt đang kèm con em ôn thi vào 10 nên không đi được. Tối hôm đó, ba thằng gồm em, D và N mỗi thằng vác một cái cần câu và một lọ mồi, mò lên trên cửa cống ngồi câu. Lúc đi đến cái cửa cống thì em đã thấy nghi nghi, thấy xung quanh cảnh vật u uất, nơi rộng rãi mà lại thấy bí bức, em đã định về. Cơ mà hai thằng kia chèo kéo ghê quá, bảo chúng nó câu mãi ở đây rồi, chỗ này nhiều cá lắm nên em cũng chịu ở lại. Ngồi câu được chừng 10′ thì cá cắn câu thằng N và thằng D, còn em thì vẫn ngồi đần mặt ra đấy. Thêm một lúc nữa thì phao của hai thằng kia rung lên liên tục, cứ được chừng 5′ là lại lôi lên được một con nặng chừng 2kg. Nhìn lại mình thì thấy cái giỏ vẫn trống không, đang ngáp ngắn ngáp dài thì nghe thấy tiếng nước động, phao em bị kéo chìm hẳn xuống. Khẽ trầm tay giữ cần, em từ từ rê rê cho con cá đuối dần rồi lôi lên. Nhưng em càng ngày càng thấy ghê vì dây câu cừ ngày một bị lôi xuống, mà tay em gồng lên hết sức cũng không rê cần đi được lấy một ly, chẳng bù mọi khi đi câu thì hơi giật vài cái là cá lên. Lúc này, cuộn dây câu bị xoay liên tục đã nóng lên đến rát cả tay, hai thằng kia thấy em cứ ghì mãi mà không kéo lên được thì vội buông cần chạy ra. Không hiểu sao mà cả 3 thằng cùng kéo lên mà vẫn không rê nổi cái cần, sơi dây câu thì vừa bị thằng N chốt lại nên căng cứng như sắp đứt, bấy giờ em mới thấy sức con cá sao mà khỏe, cái cần em mua trên Ebay, làm bằng hợp kim đàn hồi cực tốt mà giờ cái cần bị uốn cong lại gần chạm nước, em nghĩ thầm : “May mà có hai thằng này khỏe giữ mình lại chứ không giờ chắc bị lôi tuột xuống rồi!”. Giữ thêm lúc nữa thì tay em tê dại đi, hoảng hốt nhận ra là ba thằng đã bị kéo lết đi một đoạn hơn 2m, sực nhớ ra mấy câu thằng Việt dặn nên em la lên : “Thằng D ôm chặt tao vào, ghì lại, còn thằng N thì chạy ra cắt dây nhanh lên, có chuyện rồi!”. Thằng D hét : “Đếm đến ba thì bọn tao dồn sức, mày chạy nhanh ra cắt dây. Một! Hai! Ba!”, đến ba thì em và thằng D cùng dồn tấn, gồng hết sức kéo ra sau, thằng N nhanh chân chạy lên cầm cái kìm bấm tạch một cái, sợi dây đứt luôn, em và thằng D ngã ngửa ra sau. Chưa kịp ngồi dậy thì thằng N lắp bắp: “Chúng…mày..ơi! Sao bên mình dây đứt thì ngã dúi dúi, mà bên kia…..dây đứt lại chẳng có động tĩnh gì thế?” Để ý lại thì em cũng thấy hoảng, đúng ra là khi cá cắn đứt dây hoặc dây đứt thì dưới nước sẽ có tiếng bũm hoặc oạp một cái, không thì ít ra cũng có sóng gợn lên, sủi theo cả bong bóng, đằng này con cá khỏe như thế mà lại chẳng có tiếng gì, nhẹ nhàng một cách lạ thường. Em càng nghĩ càng ghê nhưng cũng trấn an bọn nó: “Hay là nó lặn sát đáy nên im?’. Thằng D vội quạt lại :”Con cá khỏe đến thế thì ít ra cũng phải có bóng bóng to bằng quả quýt nồi lên chứ!”, thằng này là rái cá rồi nên em cũng chẳng dám cãi lại.
Cả ba thằng thấy lạnh cả người nên kéo nhau về. Đang về đến cái khúc quẹo ở dốc bà Ân thì mấy bụi rậm bên đường lào xào, rung động mạnh lên. Em với thằng D thì sợ mà thằng N lại cười đê tiện, khẽ bảo: “Anh chị nào hò hẹn ra đây bức xúc quá nên đang bàn bạc cách giải quyết thì phải! Xem tao này!”, nói rồi, nó oang oang lên: “Chúng tôi là dân quân xã đây, mời anh về trụ sở thôn để lập biên bản, tịch thu hung khí, còn chị thì theo chúng tôi về đồn để khám nghiệm vật chứng!”,nói đoạn nó bụm tay vào mồm thổi toét toét như tiếng còi. Hai thằng nghe vậy thì hết cả sợ, cười sặc sụa. Nhưng ba thằng vừa dứt tiếng cười thì hai bên vệ đường vang lên tiếng cười khằng khặc phụ họa theo, cả ba đứa im bặt, mặt tái mét. Đi được thêm một quãng, thằng D tự nhiên túm áo em, líu lưỡi lại: “H ơi! Đằng sau mình như có người mày ạ!” Em vội nhìn ra sau thì thấy có một bà trung niên đang bồng đứa bé, đi sau bọn em từ lúc nào, vội bấm thằng N kêu nó thì nó khẽ bảo:”Đ’ phải người đâu! Nó tự nhiên rẽ từ chỗ bụi tre ra, đi theo mình được vài phút rồi!”. Vừa nghe xong thì em sợ run cả chân, nhưng cố bình tĩnh bảo hai thằng :”Bây giờ mình thử rảo bước lên một lúc rồi lại đi thật chậm lại xem thử nó là ma hay người!” Thế là cả ba cùng làm, cứ đi nhanh đi chậm vài lần, nhưng bà kia vẫn cứ bám theo bọn em, vẫn giữ nguyên khoảng cách đấy. Thằng N lúc này đánh bạo, bảo: “Mình quay ngược đường trở lại xem nó làm sao nào, ba thằng cơ mà, sợ đ’ gì ma với cỏ!”. Em với thằng D sợ lắm nhưng anh em sống chết có nhau lẽ nào lại để nó đi một mình, rồi em khẽ lầm nhẩm ba hai một rồi cả ba thằng đồng loạt quay lại, nhưng vừa quay người lại thì hồn vía cả ba bay hết. Ngay sau bọn em chưa đến 1m là “nó”, giờ nhìn kĩ lại thì mới thấy hãi, nó chẳng phải là bà trung niên nào cả, mặt nó trắng trơn như ma Nhật, cái bọc nó ôm trên tay thì còn chưa là “đứa bé”, đó là một cái thai nhi mới được 5-6 tháng là cùng. Em vội giơ cái vòng cổ ra thì nó cứ trơ trơ, đứng nhìn chằm chằm ba thằng. Cả ba thằng sợ xanh mắt mèo, chả hiểu thế nào mà cùng đồng loạt vung cần câu bổ thẳng vào thứ kia.( Như bổ vào không khí ý các thím ợ!) Xong rồi thằng này kéo thằng kia chạy bán sống bán chết, nghe gió vù vù bên tai, chân tưởng như không chạm đất. Không nhớ là chạy bao lâu thì ba thằng dừng lại, vừa dừng lại thì thằng N kinh hãi kêu lên : “Sao mình chạy mãi mà lại về dốc bà Ân thế này bọn mày ơi?”. Em vội nhìn quanh thì thấy rõ ràng là mình lai đứng ở chỗ vườn nhãn cũ, còn chưa kịp hoàn hồn thì em gào lên, nhận ra cái thứ kia đang từ từ bước đến chỗ ba thằng, em vội kéo bọn nó dậy rồi đùn cho chạy lên, em chạy đằng sau, nó vẫn đi sát chỉ cách em có vài bước, đang chạy thì em cuống chân ngã lăn ra, toạn cả đầu gối, máu tèm lem hết cả. Thằng D vội phanh lại, cúi xuống hỏi em sao không thì em đau quá không kêu được, xua xua tay bảo bọn nó chạy nhanh. Thằng D thấy em ngã be bét mà vẫn nghĩ cho anh em thì nó như phát cuồng , rút cái dép dưới chân ra, xồ vào con ma, gầm lên : “ĐMM đánh bạn tao! Để bố cho mày xem thằng nào sợ thằng nào nhé!”, thằng N cũng chằng vừa, lấy cái kìm ra nhảy bổ vào, hét lên :”Oánh bỏ mẹ nó đi! Nhằm vào cái con con (cái thai nhi) kia mà tẩn!” . Nhưng hai thằng vừa lao đến thì nó đã kêu ré lên rồi chạy vào trong vườn nhãn, sau đó thì mất hút trong màn đêm. Đến bây giờ nhớ lại, em vẫn còn thấy cảm động hai thằng, ví thử như chúng nó ham sống quên nghĩa mà bỏ luôn em lại đấy thì đâu còn cái ngày hôm nay để em ngồi đây chém gió với các thím! Em biết là thằng D từ bé rất nhát ma nhưng hôm đó nó sẵn sàng vì em mà đánh luôn cả một thứ mà nó biết mình sẽ thua.
Nhân đây, tao muốn nói : Tao mang ơn mày suốt đời D ạ, nếu có kiếp sau thì tao lại xin được làm anh em với mày, ku nhát chết.
Phụ chuyện: Thể theo yêu cầu của các thím, em xin viết lại một số điều mà thằng Việt dạy em lại cho các thím. Thực sự thì đó là những điều rất đơn giản mà bố mẹ ông bà các thím hay dặn khi đi xa nhưng chắc cũng có nhiều người bỏ ngoài tai.
1. Đến nơi như đền chùa, miếu mạo thì đừng có ham hái lộc mà bẻ một đống vác về. Chùa chiền là nơi linh thiêng, mình tốt nhất là đừng dây vào, tránh đi cũng chẳng ai bảo mình nhát.
2. Những nơi núi đồi cao chót vót, trơ chọi không có núi khác tự lưng,nhìn từ xa không thấy hùng vĩ mà lại thấy rợn người, quanh năm âm u, ít dấu chân người thì rất có khả năng đó là “Đại bản doanh” của một lũ mà ai cũng biết đó. (Cái nì thì nhiều thím hay đi chơi, dã ngoại ở vùng rừng núi sẽ nhận thấy. Có bao giờ đứng trước những quả núi cao không thấy đỉnh, cảm giác nhìn là thấy hào khí trong lòng dâng lên, muốn chinh phục ngay. Nhưng cũng đứng trước một ngọn núi khác cũng cao không thấy đỉnh, đường lên có khi còn khoai hơn, nhưng vừa nhìn đã thấy rùng mình, khó chịu, chỉ muốn đi sớm khỏi chỗ này!)
3. Vào những chỗ như bãi tha ma thì nên kính cẩn, tránh động chạm, cũng đừng khấn vái hứa suông với người chết.Hay như bãi chiến trường xưa, đặc biệt là những bãi chiến trường cổ, nơi hai quân phục kích nhau chết hại rất nhiều thì chính là nơi tập trung nhiều oán khí, vào đây mà không cẩn thận thì thầy phù thủy tàng tàng cũng hết đường về chứ không nói người thường như mình! Vào đó thì tốt nhất nên mang theo vàng hương, hoa quả, rượu để cúng vong hồn tử sĩ (Chẳng cần nhiều làm gì, chỉ cần vài ba chén rượu với ít đồ cúng, quan trọng là mình phải có lòng biết ơn tới những người đã vùi thây ở đây để có mình ngày hôm nay), nếu ai có lòng thì viết một bài văn tế thể hiện lòng thương tiếc thì càng tốt.
4. Đi trên sông nước thì tốt nhất nên đi cùng nhiều người, đừng đi lẻ tẻ (Nếu mình có rơi thì đã có người vớt, nếu cả thuyền chìm mà có mỗi mình ngỏm thì tốt nhất nên chấp nhận an bài). Tránh không lảng vảng ở những bến sông, hồ có nhiều người chết đuối trên một khúc sông, lại càng tránh lúc sẩm tối, đêm khuya hoặc lúc trời âm u vần vũ. Có người bảo tránh tầm giữa trưa nữa để đề phòng. Còn những ngày mặt trời chói rạng thì cũng yên tâm được thêm chút ít, chỉ phải cái là ai sức khỏe èo uột thì sẽ rất dễ say nắng, mê sảng rồi tự ùm mà chẳng đợi ma nào kéo.
5. Thấy của rơi thì đừng tham, nộp lại cho CA cho nó lành, của đến bất ngờ thì của đi cũng bất ngờ, chẳng ai được cho không cả. Bất ngờ đào được châu báu, vàng bạc thì đừng tham mà ôm cả. Đem một phần cúng cho đình chùa, thổ địa, một phần chia cho người nghèo khổ, giữ lại cho mình một phần thôi. Sở dĩ đem công đức cho đình chùa vì nếu mình công đức vào thì cũng như mình đến xin được ông thần bà thánh nào đó bảo vệ, coi như mình có tay to bảo kê với ma quỷ. Còn đem chia cho người nghèo là vì người ta khổ sở thì đáng được quan tâm, mình cho đi không chờ nhận lại nhưng nó làm cho mình thấy thanh thản, thoải mái. Vũ trụ luôn có sự cân bằng mà, rồi sẽ có lúc mình hoặc con cháu mình túng quẫn sẽ được người khác cứu giúp như mình đã từng cứu một ai.
6. Mỗi người nên xin một cái bùa bình an, người thân yêu xin cho mình thì càng tốt. Hoặc những đồ trang sức do người thân, hoặc tự tay mình làm tặng cho nhau để cầu may mắn cũng rất tốt, đăc biệt là thím nào lái xe thì nên có một vật nho nhỏ gợi đến gia đình treo ở gần tay lái, xe máy thì nên làm móc chìa khóa. Sẽ có thím bảo em cầu kì kĩ tính như đàn bà nhưng thực chất bùa bình an là một loại thuốc tâm lý, có nó mình thấy yên bình, tĩnh tâm. Chỉ cần tâm không xao là mình đã tránh được bị ma nó xỏ rồi.
7. Trong trường hợp xấu nhất, khi đã chạm trán ma quỷ thì thứ vũ khí tốt nhất không phải bùa chú, ấn quyết mà chính là sức mạnh tinh thần của mình. Hào khí vì bố mẹ, anh em, bè bạn, người yêu hay thậm chí là vì những người yếu thế cũng sẽ trở thành Chính khí át đi khí âm ở ma quỷ. Ví dụ như lúc thằng D cứu em, hàng ngày nó rất sợ ma, vía lại yếu, nhưng đêm đó nó vì em mà bảo vệ nên Chính khí bộc phát, đánh lui cả thứ mà nó sợ nhất.
Và cuối cùng là các thím hãy tự sửa đổi bản thân, biết sống vì người khác và nhất là đừng có làm chuyện gì để mình phải xấu hổ với lòng. Người ta bảo :
Kẻ làm chuyện xấu xa thì quỷ thần đều biết. Ban ngày không làm việc khuất tất, tối đến khồn sợ ma gõ cửa.
Trên đây là những điều thằng Việt dạy cho em, có một số điều em đi từ khởi điểm do nó đặt mà suy ngẫm ra. Có lẽ các thím sẽ thấy nó rất sáo rỗng mà oải như tụng kinh. Còn em thì là một thằng loạn trí bị cuồng tín. Nhưng hay đọc và ngẫm nghĩ, mọi chi tiết trong chuyện đều có mục đích của em, cách đây vài hôm có một thím đã tinh ý nhận ra điều này.
Tags: am anh, dao si tan man, truyen ma dai, ve que