Đạo sĩ tản mạn kì - Ám ảnh mỗi khi về quê - Chương 11
Chuyện thứ mười một: Hậu họa từ năm xưa
Từ khi ông K mất, làng em như thiếu mất một cái gì đó. Sáng sớm không còn nghe thấy tiếng đạp xe kẽo kẹt đi lên tỉnh, những đám giỗ, đám ma, bốc mộ,…không ai còn thấy bóng dáng một ông già mảnh khảnh, tóc bạch kim, mặc cái kaki đã sờn vai, tay bắt quyết, tay cầm kiếm như trước. Bọn trẻ con cũng thấy hụt hẫng vì giờ chẳng còn thấy những ông leng keng như ông A, ông N trong những đám việc trong huyện nữa. Chẳng còn bóng dáng một ông béo tốt, da đỏ au và một ông gầy gò, mặt hiền như bột hay đi cùng nhau trên đê nữa, chẳng còn hai ông mà ngày nào về đến đầu làng cũng cho chúng nó đủ thứ xôi oản, trứng gà như trước. Giờ đây, quê em không còn là cái làng quê mang màu nhiệm, huyền bí nữa. Đứng trước guồng quay của thế giới hiện đại, làng em cứ dần thay đổi từng ngày. Thanh niên trí thức giờ đã bỏ làng lên thành phố kiếm việc rồi ở luôn trên đấy hết, ở lại làng chỉ còn ba phần mười số thanh niên và toàn người già.
Chắc các thím còn nhớ quyển sách của lão L đã chỉ dẫn cho ông K cách giải yểm trong làng. Nhưng từ sau đợt trấn yểm lại núi Cô Yêu xong, tự nhiên quyển sách không cánh mà bay. Đó là vào ngày hội làng, cụ H và các cụ cao niên quyết định đem quyển sách đốt đi đẻ phòng trừ họa về sau. Nhưng khi mở dấu niêm phong, rồi cả mười người lần lượt mở mười cái khóa ra thì lúc mở hòm, các cụ ngớ người ra vì trong hòm rỗng không, quyển sách của lão L giờ đã không cánh mà bay, rõ ràng chính tay cụ H và cụ D đã đặt quyển sách vào hòm trước sự chứng kiến của cả mười cụ bô lão. Giả tỷ như có trộm lẻn vào thì cũng chẳng thể nào còn dấu niêm phong, mà dù là có con cháu của ai muốn lén lấy cũng chẳng được vì phải mở cả 10 ổ khóa thì cái hộp mới mở ra. Các cụ còn đang băn khoăn thì đùng một cái, một tiếng sét nổ giữa thinh không, rồi lại ùng oang thêm tám tiếng nữa mới dứt. Dân làng ngơ ngác nhìn nhau, lo lắng không biết chuyện gì sẽ lại xảy ra trên cái đất này. Mấy ngày sau thì hội tan, các cụ họp nhau bàn cách đối phó, có cụ bảo hay là liên lạc qua bên Trung Quốc xin gia tộc nhà ông K giúp, nhưng ngay lập tức các cụ khác gạt đi vì làng em đã nợ ông K quá nhiều, không thể bắt người ta lặn lội mấy ngàn cây sô sang đây chỉ vì chuyện của làng mình được. Bàn qua bàn lại thì các cụ cũng quyết định là sẽ xin với bên xã cho thêm dân quân tuần đêm, buổi tối ai mà đi đường thì phải đi theo nhóm, không được đi lẻ, thế là ổn.
Và mọi chuyện vẫn cứ ổn cho đến một ngày. Đợt đó, dân chài liên tục than vãn vì dạo này sông chẳng kéo được mấy cá, chỉ toàn kéo được cá bé tí ti, chẳng bõ sức quăng lưới. Còn bọn trẻ con chăn bò, chăn dê trong núi thì bảo dạo này cái khoảng sông ngầm sát núi cứ đục ngầu như có ai khoắng, không dám thả trâu bò ra uống nước. Nghe đến khoảng nước đục là những bác trung niên lại giật mình nghĩ về vụ con cá trê đợt nọ, một số thanh niên thì lại càng ghế bởi chính họ là những đứa trẻ năm nào đã gặp con cá trê ở đó. Thế là dân làng cấm không cho trẻ con ra chỗ sông ngầm sát núi kia chơi, ngay cả người lớn mỗi khi có chuyện đi đò qua cũng thấy rợn cả người, lúc đò cập bờ rồi mới yên tâm là mình còn sống.
Thế rồi một hôm, dân kéo vó đêm huyên náo cả lên, họ kéo được một con lươn to chưa từng thấy, nhìn cứ trùi trũi, to bằng cái phích, dài tầm mét rưỡi. Dân làng đổ ra xem thì thấy đó chẳng phải lươn cũng chẳng phải rắn, nó có vây, có da trơn láng như lươn nhưng lại có mồm như mồm thạch sùng, nhìn quái dị vô cùng, mà mắt nó tuy cũng vào loại ti hí nhưng cũng chẳng đến mức híp như mắt lươn. Con này lên bờ rồi mà khỏe vô cùng, quấy rách tấm lưới ý như xé một tờ giấy vậy. Lúc nó há mồm ra thì có cảm tưởng chỉ đớp một cái là lủm luôn tay mình, mặc dù nhìn mồm nó chẳng có tý răng nào. Nhưng dân làng không dám giết thịt, cứ để đấy, đợi xã đến giải quyết. Chờ được hai tiếng thì trên xã cử một anh phiên dịch và một ông tiến sĩ người Nga xuống. Xem xong thì ông này nói không biết con này là còn gì, nhưng nếu đếm vân trên đầu nó thì ước lượng được nó chỉ là con non được vài tháng. Nghe đến đây thì dân làng dựng tóc gáy, con non đã thế này thì ắt phải có con mẹ, mà con mẹ thì còn lớn tới cỡ nào. Ông tiến si Nga liền mổ con lươn, mặc cho sự phản đối của dân làng vì họ sợ bị con mẹ trả thù. Mổ xong con lươn, ông Nga và anh phiên dịch bỏ hết vào thùng đá ướp lạnh rồi đem lên phà chở về nghiên cứu. Phà đang chạy ngon thì tự nhiên chao nghiêng một cái, ông Nga và anh phiên dịch suýt nữa lăn xuống nước. Đi thêm một quãng thì phà lại rung lên, đi thêm quãng nữa đến giữa hồ thì phà bị lật ùm một cái. Anh phiên dịch sợ quá lóp ngóp bơi vào bờ, ông Nga to khỏe bơi đằng sau, bơi nhanh gấp mấy anh phiên dịch, nhưng đang bơi thì ông Nga bị kéo thụt xuống nước, anh phiên dịch khiếp, bơi nhanh vào bờ, vào đến bờ thì dân làng kéo lên được. Còn ông Nga bị thụt xuống chẳng biết sống chết ra sao, mấy ông dân chài vội đẩy thuyền ra cứu thì thấy ông Nga lại trồi lên rồi hụp xuống mấy lần, hét lên toàn tiếng Nga, xua tay ra hiệu bảo mọi người không được xuống. Mấy ông dân chài mặc kệ, cứ đẩy thuyền ra, thuyền ra gần đến nơi, sắp túm được tay ông Nga rồi thì sóng cồn lên, thuyền dạt hết cả ra, còn ông Nga thì thụt xuống không thấy cả sủi tăm. Một vài ông chài đánh bạo, thò đầu xuống nước nhìn thì tất cả cùng rụt lại, hét lên kinh hãi rồi thúc cho thuyền vào bờ nhanh. Lúc lên bờ, mấy ông đều kẻ là thấy dưới nước có một cái bóng to hơn cả thuyền mình đang bơi lừ lừ ở dưới, mắt đỏ ngầy nhìn lên chỗ mình. Nhưng mà nước đục nên mấy ông không nhìn rõ là con gì, vội bơi thuyền vào bờ.
Dân làng nhìn xuống sông rồi lại buồn buồn nhìn nhau, không hiểu lần này họ đã đắc tội với thần thánh phương nào để gây nên cái họa này
Tags: am anh, dao si tan man, truyen ma dai, ve que