Chuyện Quái Dị Ở Trường Học - Chương 6: Lớp sương mù thứ hai (2)
Tiểu Thanh không đánh chữ, trực tiếp gửi cho tôi lời mời chat voice. Sau khi đã thông nhau, tôi nói một cách lễ độ:
– Alô! Tiểu Thanh, chào cô.
Cô ấy như không để ý gì tới lời chào hỏi của tôi mà đi thẳng luôn vào vấn đề chính:
– Tôi chưa kết hôn nhưng đã có con, phù hợp với yêu cầu của cô.
Có thể là do mạng nên trong tai nghe, tiếng của Tiểu Thanh nghe rất xa, tôi phải tập trung toàn bộ tinh thần mới có thể vừa nghe rõ lời cô ấy nói, đồng thời nhanh chóng viết vào word, cho dù tôi đã chỉnh âm lượng tới mức cao nhất.
– Cô nói từ từ thôi. Cô có thể nói với tôi về bố của đứa trẻ, anh ta có thái độ gì với chuyện này không?
– Tôi không biết hắn ta là ai. – Tiểu Thanh đáp, giọng hơi run, giống như đang nói trong gió lạnh.
Giọng của cô nghe ra chỉ ngoài hai mươi tuổi, xấp xỉ tuổi tôi. Mới bằng hai câu, tôi đã đoán ra như thế. Đây là một người mẹ thiếu nữ điển hình. Có lẽ là do tuổi tác tương đồng nên tôi có lòng trắc ẩn đối với cô ta. Tôi đã quên trình tự phỏng vấn như trong dàn ý. Trực tiếp quan tâm tới tình trạng hiện tại của cô, tôi hỏi:
– Vậy người nhà của cô có biết không? Cô định thế nào?
Không thấy trả lời lại, chỉ nghe thấy tiếng thở yếu ớt. Tôi đợi một lúc lâu, cuối cùng không chịu được:
– Tiểu Thanh, cô còn ở đấy không?
Lúc này chuyện mà tôi không tưởng tượng nổi đã xảy ra. Tiếng thở trong tai nghe từ từ biến mất, thay vào đó lại là tiếng nước từng giọt từ từ nhỏ xuống!
Tí tách, tí tách!
Cánh cửa trí nhớ được mở ra một cách mạnh mẽ, tiếng nước nhỏ giọt mà tôi nghe thấy trùng lặp với trong lời nhắn, tất cả cuốn vào trong tai tôi. Càng ngày càng vang, mỗi lúc một gần. Có lúc cảm giác như những giọt nước đang rơi trước mắt tôi, như muốn tôi chìm vào trong đó.
– Xin lỗi, nếu cô không ở đấy, tôi sẽ out đây!
Dường như tôi đã hét lên khi nói câu nói này, như vừa tỉnh dậy sau cơn mơ.
Tiếng nước nhỏ giọt bỗng dưng im bặt, một giọng nói không hề biểu cảm, nói rằng:
– Tôi đã sinh rồi, đứa con bị tôi vứt trong nhà vệ sinh.
Đó là tiếng của Tiểu Thanh, nhưng chất giọng cô ấy đột nhiên lại bình thường, có chút gì giống như là máy nói. So với điều đấy, càng làm tôi cảm thấy bất an hơn là nội dung mà cô ta đã nói. Tôi bắt đầu thấy hối hận vì đã nhận nhiệm vụ phỏng vấn này. Nó không còn là một hiện tượng xã hội đơn thuần, câu nói đó của Tiểu Thanh nếu là thật thì cô ta đã phạm pháp rồi.
Tôi thở ra một hơi lạnh rồi hỏi luôn:
– Đứa con mà cô vứt là vừa sinh ra đã chết non, hay là còn sống?
Bất cứ một công dân nào sau khi được tách khỏi cơ thể người mẹ thì đều có quyền được sống. Tôi bắt đầu thấy lo lắng cho người phụ nữ tên Tiểu Thanh, lo rằng cùng với việc phải chịu tổn thương, cô ấy còn làm tổn thương nặng nề tới bản thân mình.
Trong tai nghe choán đầy tạp âm, sắc nhọn vô cùng. Tôi đang nghĩ thử điều chỉnh thì chat voice đột nhiên đứt đoạn, trạng thái của đối phương đã hiển thị “thoát ra” (sign out).
Lần phỏng vấn này tuy chỉ tiến hành trong không đầy năm phút song tôi lại đờ người trước màn hình rất lâu. Tay sờ ra sau lưng thì thấy có mồ hôi hơi ướt. Góc phải màn hình đã hiển thị mười hai giờ đêm. Thời gian này từ trước tới nay luôn tạo cho người ta cảm giác sợ hãi.
Định thần trở lại thì việc tôi làm đầu tiên đó là gửi cho Tiểu Thanh một bức thư, hẹn cô ấy tiếp tục phỏng vấn.
Tiểu Thanh không hề trả lời bức thư mà tôi đã gửi đi. Điều này làm cho cuộc phỏng vấn đi đến hồi bế tắc. Tôi không muốn để mất đi cơ hội đăng bài trên “Thân báo” nên gửi thư cho cô ấy một lần nữa, đồng thời lưu số điện thoại di động của mình lại.
Bệnh của mẹ Trần Thần đã nằm trong tầm kiểm soát, công việc ở lại chăm sóc bà qua đêm là do vài người bà con thân thích thay nhau làm. Trần Thần lại quay về trường ở. Tôi cảm thấy rất vui về điều đó. Phòng ngủ chật hẹp trong những ngày qua thực sự khiến tôi sợ hãi khi chỉ có một người.
Trước đây chị Lư có kể một câu chuyện ma, nói rằng một sinh viên sau khi chết đi, người nhà đã tới trường học để mang tất cả những di vật của cô ta về. Nhưng đêm hôm đó, người bạn ngủ cùng phòng với cô ấy lại nhìn thấy, trên chiếc giường trơ trọi của người đã chết có một người đang nằm…
Kiểu chuyện ma nhàm chán như thế không thể nào dọa tôi khi đang kể được. Giống như loại rượu lâu năm, tác dụng về sau của nó chỉ có thể thực sự thể nghiệm được khi chính mình nằm trong hoàn cảnh đó, chính mình thử qua nó.
Cái ngày mà Trần Thần về, nửa đêm hôm đó, tôi bất chợt tỉnh dậy. Cái kiểu đột nhiên đó khó có thể giải thích, chỉ có một cảm giác duy nhất là mệt, nhắm mắt lại mà không ngủ được.
Trần Thần? – Nhìn thấy hình người nhô lên ở mép giường, tôi gọi nhỏ một tiếng.
Bỗng nhiên tôi lại rất muốn nói chuyện, hoặc là hát hò, tìm một cách nào đấy để phá tan đi cái tĩnh lặng như tờ này. Trần Thần đang nằm ở mép giường, vẫn không để ý đến tôi, tôi ngồi dậy, định lay cho cô ấy tỉnh. Thò tay ra, tôi chỉ mò được một đống chăn lạnh lẽo nhô lên.
Không thấy Trần Thần đâu!
Phòng ngủ trong phút chốc rộng hẳn. Chiếc chăn bông trên giường hơi cuộn lên thực giống hình một người. Điều này khiến tôi nhớ tới hình ảnh người chết nằm trên giường trong truyện. Tôi ngồi dậy, dựa lưng vào tường. Đối mặt với những thứ còn chưa biết, sau lưng con người ta luôn là nguy hiểm, bởi vì bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy sau lưng mình cảnh tượng gì đang diễn ra.
Rất ít khi nhìn thấy cảnh Trần Thần đi vệ sinh vào lúc nửa đêm, chẳng lẽ hôm nay cô lại bị Tào Tháo đuổi?
Tôi đợi rất lâu, vẫn không thấy cô ta quay lại. Một linh cảm không may cứ nhảy nhót trong tim tôi, tôi buộc phải tìm cho nhanh thấy Trần Thần, điều này cũng giống như trong lúc lạc đường phải tìm thật nhanh cho ra lối đi vậy.
Tôi mặc quần áo vào, xuống giường và mở cửa. Trước mắt, chỗ có thể tìm thấy Trần Thần chỉ giới hạn ở nhà vệ sinh mà thôi. Ra khỏi cửa phòng ngủ, đi hết về phía bên phải chính là phòng vệ sinh và phòng rửa tay. Tôi đoán rằng, Trần Thần sẽ không đời nào đến phòng vệ sinh ở tầng chúng tôi đang ở, bởi vì chính ở đây chị Lư đã phát hiện ra xác chết của đứa bé. Nếu không phải là rất vội thì tất cả những nữ sinh trên tầng này sẽ không dám đến gần nơi đó một mình.
Tôi nhìn về phía bên phải, đen kịt một màu. Chính màu đen ấy khiến tôi có một cảm giác bị người khác dò xét ngầm. Dường như trong chỗ đó có một thứ gì đáng sợ đang thở gấp chăm chú nhìn vào tôi.
Tôi bước nhanh về phía cầu thang bên trái, quyết định đi xuống phòng vệ sinh tầng dưới tìm Trần Thần. Khi tôi bước xuống tầng dưới cũng là lúc nghe thấy một âm thanh ghê người: “Tí tách”!
Nếu âm thanh đó là âm thanh mà tôi nghe thấy khi bước vào trong phòng ngủ thì nó trở nên không có ý nghĩa. Vòi nước ở trong phòng rửa tay tầng ba thường bị hỏng, phải dùng một lực lớn mới có thể vặn chặt lại được.
Nhưng tại sao trước đó không có tiếng gì?
Lẽ nào trong đó đã có người vặn chặt nó từ trước?
Nếu không có người mở vòi nước ra, nó sẽ không thể chảy được, cũng có nghĩa là người đó vẫn chưa đi khỏi, vẫn đang ở trong phòng rửa tay ở phía góc phải và sử dụng thiết bị cấp nước?
– Két. – Âm thanh đó, tôi nghe rất quen thuộc. Đó là tiếng cửa phòng rửa tay tầng ba bị mở ra. Nhưng điều khiến tôi sởn tóc gáy là sau khi cửa được mở thì không nghe thấy tiếng bước chân như dự đoán. Ngón tay tôi cứng đơ, mồ hôi lạnh cứ thế đổ ra. Lúc này, tôi không biết mình nên đứng yên hay là quay đầu lại để chạy. Nếu tôi để phát ra một tiếng động gì thì có thu hút sự chú ý của “cái gì” đó đang trốn gần phòng vệ sinh hay không?
Cuối cùng tôi đã di chuyển đôi chân gắn chì của mình và chạy bạt mạng về phía tầng hai. Không nhớ rõ một bước mình chạy bao nhiêu bậc, chỉ nhớ rằng đoạn đường đó tôi giống như đang lao nước rút trong cuộc chạy dài, rất muốn chạy nhanh. Cổ họng lại giống như bị một viên đá nặng nén xuống, khó có thể thở được, cơ thể trở nên nặng nề.
Lúc đi ra tôi mang theo di động. Chủ biên tập trong một tòa soạn đã nói với tôi, mang theo di động được mở suốt hai tư giờ đồng hồ là tố chất cơ bản của một phóng viên. Mà hiện tại, tác dụng duy nhất của nó là dùng để chiếu sáng. Vòi nước tầng ba có sự cố, còn tầng hai thì lại hỏng đèn hành lang.
ánh sáng yếu ớt của di động chỉ có thể chiếu sáng khoảng hai mét phía trước. Đập vào mắt tôi đều là những cánh cửa phòng đóng kín mít, không có sự sống, khiến người ta có cảm giác như đang bước vào trong cổ mộ. Nỗi lo sợ của tôi còn chưa kịp dừng lại, tôi còn sợ nếu tôi đi thêm một bước thì ánh sáng điện thoại của tôi sẽ chiếu vào một khuôn mặt trắng bệch của một người có mắt mà không có con ngươi. Nhưng tôi buộc phải đi tới phía trước, dường như cứ dừng lại thì sẽ bị bóng tối kia nuốt sống.
Phòng rửa tay tầng hai truyền đến tiếng nước chảy. Nếu so sánh với tiếng nước nhỏ giọt khiến người ta lạnh người kia thì tiếng chảy “rào rào” này còn khiến tôi yên tâm hơn một chút.
Lúc tôi đẩy cửa phòng rửa tay ra thì một tiếng hét to đã vang lên. Tôi nhìn thấy Thịnh Tịnh Khiết đang đứng trong đó. Sự xông vào đột ngột của tôi khiến cho cô ấy có chút tức giận. Cô ấy hỏi:
– Sao cậu lại tới chỗ này?
Câu nói này cũng là câu tôi đang muốn hỏi cô ấy. Di động bị sấp bóng nên tối đi, mắt tôi từ từ thích ứng được với bóng tối. Tôi nhìn thấy Thịnh Tịnh Khiết đang để người trần truồng.
– Cậu đến đây tắm? – Tôi hỏi có chút kinh ngạc.
Trong bóng tối không nhìn rõ ngũ quan của Thịnh Tịnh Khiết, chỉ nghe thấy giọng của cô ấy:
– Phòng tắm đóng cửa từ sớm, tớ đến đây để lau qua cái người. Cậu nhỏ mồm đi chút, đừng để quản lý bắt được.
Thịnh Tịnh Khiết rất xinh đẹp, nhưng trong học viện này danh tiếng của cô không được tốt. Những người tình mà cô từng qua lại đều là những người lắm tiền, một số sinh viên đã gọi đó là lối sống dựa vào tiền. Hồi học đại học năm thứ ba, đã từng có một phụ nữ quý tộc ăn mặc rất trau chuốt đến tìm Tịnh Khiết. Hai người họ rất nhanh đi đến cãi vã, cuối cùng, người phụ nữ quý tộc đó đã cho Thịnh Tịnh Khiết một cái tát.
Mọi người đồn nhau, nói rằng Thịnh Tịnh Khiết có quan hệ với người đã có vợ, vợ người ta đã tìm đến tận nơi.
Mỗi một người đều có quyền lựa chọn cho mình một cách sống riêng. Từ trước tới nay, chưa bao giờ tôi hỏi về chuyện riêng tư của Thịnh Tịnh Khiết. Cô ấy vẫn thường không về kí túc, sống một cuộc sống giàu có xa xỉ, chỉ cần cô ấy thấy xứng đáng thì có đồn đại nữa cũng chỉ phí công mà thôi.
– Cậu có nhìn thấy Trần Thần đâu không? Nửa đêm tớ tỉnh dậy đã không tìm thấy cô ấy rồi.
– Không nhìn thấy. – Thịnh Tịnh Khiết không nói nhiều lời. Cô ấy lau khô người, mặc chiếc áo ngủ vào.
Trong số những người bạn cùng phòng, quan hệ giữa tôi và chị Lư tương đối tốt. Còn Trần Thần là một người vui vẻ, đến ngay cả Thịnh Tịnh Khiết cũng còn muốn làm bạn với cô. Hiện tại không thấy cô ấy đâu, tôi đã đợi trong phòng ngủ ít nhất là một giờ. Nếu đi vệ sinh thì đã phải quay lại từ lâu rồi.
Tôi bắt đầu cảm thấy bất an, lo lắng kèm theo cả sợ hãi. Tôi nói:
– Tịnh Khiết, cậu đi cùng tớ tìm ở nhà vệ sinh tầng một đi. Tớ vừa từ tầng trên xuống, cô ấy không ở tầng hai, làm người khác lo lắng quá…
Tôi còn chưa nói hết thì đã bị Thịnh Tịnh Khiết ngắt giữa chừng. Cô ấy không nhịn được mà kêu lên:
– Tầng hai? Đào Tử, cậu chưa tỉnh ngủ à? Đây rõ ràng là tầng ba, tầng mà chúng ta ở đấy.
Câu nói không dài nhưng lại như đập mạnh vào tim tôi. Tôi không trả lời, quay đầu nhìn về phía lỗ thông khí phía trên của phòng rửa tay. Qua lỗ thông khí, bức tường phía bên ngoài in một chữ “3F” màu đỏ máu mờ mờ.
Không thể thế! Tại sao có thể thế được?!
Trong giây lát tôi cảm thấy mình bị kiệt sức, người mềm nhũn dựa vào tường. Rõ ràng tôi chạy từ phòng ngủ tầng ba ra, rồi chạy một mạch xuống phòng rửa tay tầng hai, tại sao giờ lại ở tầng ba? Thế thì, con đường mà tôi đã chạy qua chẳng lẽ lại là đường vòng? Cầu thang thì giải thích làm sao?
Da đầu tôi hơi tê. Cảm giác đó giống như bị một sức mạnh nào đó trêu đùa.
– Cậu làm sao thế?
Thịnh Tịnh Khiết cũng phát hiện ra sự khác thường của tôi, cô hỏi nhỏ.
Chuyện đến hôm nay, cũng chẳng cần phải giấu làm gì nữa. Tôi nói một cách đờ đẫn:
– Tớ đã xuống tầng dưới… Đây không thể là tầng ba, nơi từng có đứa trẻ chết được…
Lời nói cuối câu có sức sát thương mạnh, Thịnh Tịnh Khiết rõ ràng run bật lên. Cô như hơi tức tôi vì đã nhắc đến chuyện đứa trẻ chết, bèn nói nhỏ:
– Đừng nói nữa!
Không khí càng trở nên kì dị hơn. Khi chúng tôi định thần trở lại, muốn quay trở về phòng ngủ thì lại phát hiện ra cửa phòng rửa tay đột nhiên bị khóa trái bên ngoài, không mở ra được!
Ngay dưới mắt chúng tôi, cửa phòng rửa tay đã bị khóa trái từ bên ngoài. Dù tôi và Thịnh Tịnh Khiết có nỗ lực thế nào thì nó vẫn không hề động đậy. Lòng bàn tay tôi đã ướt sũng mồ hôi, tay cũng trở nên trơn hơn.
– Gọi điện thoại về phòng ngủ, không chừng Trần Thần đã về rồi đấy.
Khi Trịnh Tịnh Khiết nói đề nghị này ra, giọng cô run lên, tôi biết rằng cô ấy cũng đã bắt đầu sợ.
Phòng rửa tay có thông với phòng vệ sinh, ở giữa là một bức tường ngăn cách. Tôi nhìn sang phía bên tường phòng vệ sinh cũng bị khóa chặt, hỏi:
– Khi cậu ở đây lau người ấy, trong này có động tĩnh gì không?
– Xin cậu đấy, đừng nói nữa! Tôi không nghe thấy! Tôi không nghe thấy gì cả! – Thịnh Tịnh Khiết không run nữa, mà là có chút hoang tưởng rồi.
Tôi biết mình đã mở rộng cái bóng đen của sự lo lắng. So với cánh cửa phòng rửa tay không mở được, một số thứ đằng sau cánh cửa phòng vệ sinh khiến người ta phải tưởng tượng ấy lại càng khiến cho cô bạn hoảng sợ.
Gọi về phòng ngủ đi! Gọi đi! – Thịnh Tịnh Khiết nói với ngữ khí ra lệnh về phía tôi.
Tôi hiểu bây giờ chẳng còn cách nào khác, chỉ có cách cầu mong Trần Thần đã về phòng ngủ. Run rẩy bàn tay, tôi hoảng loạn tìm kiếm số điện thoại phòng ngủ và ấn vào nút gọi.
Sau những âm thanh chờ đợi ngắn ngủi là một tiếng kêu “cách”. Điện thoại đã có người nhận!
“Trần Thần?” Tôi như bắt được một khúc gỗ trôi trên dòng nước, nước mắt dường như đã chảy ra:
– Cậu mau đến phòng rửa tay tầng ba đi, tớ và Thịnh Tịnh Khiết đang bị nhốt trong này.
Bên kia không có tiếng trả lời. Tĩnh lặng như đang tận hưởng sự tuyệt vọng của tôi.
Giờ phút đó, tim tôi như bị chìm xuống đáy vực sâu nhất. Một khái niệm đáng sợ hình thành trong não: Đầu bên kia không phải là Trần Thần!
Mâu thuẫn! Vùng vẫy!
Tôi rất muốn biết đối phương là ai nhưng lại sợ sẽ là một điệu cười buồn đáng sợ, thảm thiết, hoặc là nói ra một câu nói như một lời nguyền về cái chết bảy ngày.
Giữ máy một lúc lâu, đầu bên kia điện thoại bỗng có âm thanh, sau khi truyền vào tai tôi xong, cánh tay tôi như không còn sức để cầm máy nữa. Đó không phải là tiếng cười buồn bã, không có lời nguyền, chỉ có tiếng nước nhỏ giọt là duy nhất, không trầm bổng. Từng giọt từng giọt một, chúng sắp ép tôi phát điên!
– Trẻ con đang khóc! Có đứa trẻ con đang khóc đấy!
Thịnh Tịnh Khiết đang đứng bên cạnh bỗng nhiên ôm chầm lấy tôi, di động rơi xuống đất, tắt đi ánh sáng của màn hình. Chúng tôi dìu lẫn nhau, im lặng để lắng nghe. Quả vậy, trong phòng vệ sinh được cách bởi một chiếc cửa phía sau lưng kia văng vẳng vọng đến tiếng khóc thút thít.
Thịnh Tịnh Khiết ôm chặt lấy tôi, trong bóng tối, tôi nhìn thấy sóng mắt long lanh của cô, chứa đầy những sợ hãi. Cô ấy hỏi:
– Có phải là đứa trẻ mà lần trước vớt lên?
Câu nói đó có kèm theo cả một chút nhầm lẫn. Xác đứa trẻ đã được vớt lên thì không thể nào lại xuất hiện được. Kể cả có quay trở lại thì nó cũng không có tiếng khóc, bởi vì nó chỉ là một cái xác.
Tư duy lôgic của tôi vẫn đang hoạt động mặc dù không nói ra được. Đầu óc càng rõ ràng thì lại càng giải thích được rõ ràng những nỗi sợ hãi. Điều khiến tôi cảm thấy bất an là Thịnh Tịnh Khiết dường như chỉ nghe được tiếng trẻ con khóc, trong khi đó phòng vệ sinh rõ ràng còn có cả tiếng gào khóc đáng sợ của một người phụ nữ.
Chiếc di động dưới chân không sáng, rồi đột nhiên lại sáng lên và không ngừng rung. Tôi run run nhặt chiếc điện thoại lên, hít sâu một hơi:
– Alô!
– Cô còn dám viết không?
Năm từ ngữ không một chút tình cảm nhảy vào trong giác mạc của tôi, ngay lúc đó, nước mắt tôi lăn xuống. Tôi nghe ra, đó là giọng của Tiểu Thanh, mà câu hỏi của cô ta, ngữ khí của cô ta còn mang cả sự uy hiếp. Không phải là kiểm tra xem tôi có dám viết để thuật lại toàn bộ việc cô ta chưa có chồng mà đã sinh con hay không, một cảm giác mách bảo tôi, sự uy hiếp này có liên quan mật thiết tới những gì đang xảy ra ở đây.
– Xin cô… xin cô đừng làm thương tổn đến bạn tôi…
Tôi không biết Tiểu Thanh có nghe ra lời của tôi hay không, bởi vì tôi đã khóc lên không thành tiếng.
Một tiếng cười mang theo cả sự châm biếm lại quay trở lại. Thể xác và tinh thần tôi đều run sợ. Khi tôi còn muốn nói tiếp thì Tiểu Thanh đã tắt máy. Trong phút chốc, tôi ngã xuống đất.
– Là ai? Ai gọi điện thoại?
Thịnh Tịnh Khiết ngồi xổm xuống hỏi. Nhưng còn chưa nhận được câu trả lời của tôi thì cô ấy đột nhiên khóc to lên. Là do tiếng kêu “coong” truyền đến từ nhà vệ sinh phía sau lưng. Nó giống như màn mở đầu của tất cả những màn kịch kinh dị. Then sắt phía bên trong phòng vệ sinh đã bị rút ra, cái thứ đang nấp ở bên trong đó lúc nào cũng có thể trèo ra!
Bên bờ của sự sụp đổ, tôi nghe thấy một tiếng kêu thảm thiết. Không biết là do chính tôi phát ra hay là do Thịnh Tịnh Khiết, người đang đứng bên cạnh tôi cùng sợ hãi mà kêu lên. Tiếp đó, tất cả cảnh tượng trước mắt đều tối đen đi hết
Đợi sau khi ý thức được trở lại, vị trí mà tôi ngã xuống ban nãy đã từ phòng rửa tay sang một buồng vệ sinh nhỏ. Cách cấu tạo của phòng vệ sinh nữ của học viện là từng ô đơn riêng biệt, bên trong có một chiếc bồn tự hoại.
Đầu đau như muốn nứt ra, tôi đứng lên muốn đi ra khỏi, nhưng lại phát hiện ra buồng vệ sinh đó bị đóng kín. Phía trên của cánh cửa chạm vào trần nhà, chỉ có riêng chỗ sát với mặt đất còn khoảng trống 20cm. Nhưng một lỗ hổng nhỏ như thế không thể đủ cho một người trưởng thành bò qua.
Không gian trong buồng vệ sinh này vô cùng nhỏ hẹp, khiến người ta có cảm giác tắc thở. Không dám tưởng tượng rằng mình sẽ bị nhốt cho đến chết ở nơi đây, tôi đập mạnh vào cánh cửa, hét thật to:
– Cứu với! ở đây có người, mở cửa ra!
Loáng thoáng, từ chỗ cửa nối giữa phòng rửa tay và phòng vệ sinh có truyền đến tiếng mở cửa, như có người bước vào. Tôi vui đến phát điên, cất tiếng gọi gấp:
– ở đây! Tôi ở đây!
Xung quanh một màu đen kịt, tôi nghe thấy tiếng bước chân của người đó đi về phía buồng vệ sinh tôi đang đứng, bước chân đặc biệt nặng nề. Đột nhiên, đầu tôi căng lên. Nếu có người đến cứu tôi thì tại sao người ta không bật đèn? Tại sao không trả lời lại tôi?
Bước vào không phải là người! Là do tôi gọi nó tới!