Bí Mật Ánh Trăng Khuya - Chương 40
Không trả lời anh, ông nhẹ nhàng cầm tay con lên tìm mạch, thời khắc trôi thật chậm chạp.
– Sống rồi. Thành công rồi!
Ba phút trôi qua, giữa lục Kỳ Phương có cảm giác không còn gì để chờ đợi nữa thì… ông bỗng hét to lên mừng rỡ.
– Sống rồi ư? – Như chưa tin, Kỳ Phương hỏi lại ông.
– Sống rồi…. – Ông ôm chầm Kỳ Phương vào lòng, bật lên tiếng khóc lớn. Nguyệt Cầm đã sống rồi… Kỳ Phương… chính cậu là ân nhân của nó. Tôi thật không biết nói gì… Cảm ơn cậu… cảm ơn…
– Đừng nói như thế! – Kỳ Phương nghe mắt cay xè. – Tôi cũng tình cờ nghĩ ra thôi. Ông… bác sĩ… ông nhìn kìa…
Bỏ ngang câu nói giữa chừng, Kỳ Phương hướng mắt về chiếc giường Nguyệt Cầm đang nằm. Có một sự đổi thay kỳ diệu mà không tận mắt chứng
kiến, sẽ không thể nào tin nổi. Từ một con ma đầy lông lá, Nguyệt Cầm dần trở lại hình dáng cũ của mình. Đẹp, hồn nhiên như một thiên thần.
Quay đầu nhìn con một lần nữa ông lại trào nước mắt. Rồi bàn tay thành kính chấp lên giữa ngực, ông nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:
– Cảm ơn trời…
Có rất nhiều câu hỏi quay tròn trong trí óc Kỳ Phương. Hơn bao giờ hết, anh muốn hỏi ông cho ra lẽ, rằng tại sao lại thế, có thuốc nào chữa được bệnh của Nguyệt Cầm không? Nhưng trước nỗi xúc động của người cha, anh lại thấy mình không thể mở lời. Lịch sự, Kỳ Phương gật đầu chào:
– Xin phép bác sĩ, tôi về.
– Cậu về ư? – Ông ngẩng đầu lên, tỏ vẻ ngạc nhiên. – Cậu không muốn nghe tôi kể chuyện này sao?
– Tôi rất muốn, nhưng… – Kỳ Phương mỉm cười, dối lòng. – Trông ông mệt mỏi quá… nên, hẹn một ngày gần đây vậy!
– Không… không hẹn được. – Lắc đầu, ông cất giọng trầm buồn. – Cậu hãy ngồi xuống ghế. Tôi sẽ kể. Ngay đêm nay hoặc không bao giờ nữa.
Vẻ mặt ông đầy nghiêm trọng, Kỳ Phương không dám cãi lời. Ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường Nguyệt Cầm, anh lắng tai nghe từng lời ông kể. Câu chuyện bắt đầu từ hai mươi năm về trước, khi ông chưa thay tên đổi họ, khi ông vừa hoàn thành học hàm thạc sĩ hạng ưu.
Và tuy tuổi đời còn rất trẻ, ông đã làm cho giới khoa học ngạc nhiên với công trình nghiên cứu của mình “Gen di truyền học”. Quyển sách của ông được viện hàn lâm chú ý. Họp bàn nhau, họ quyết định tặng ông danh hiệu tiến sĩ. Không chỉ thế… họ còn muốn mời ông về viện hàn lâm cùng cộng sự…