Bảy ngôi làng ma - Chương 35
Ở đây không biết từ bao giờ người ta không ở nữa. Nhà có ba mặt tiền, phần về phía giếng được xây tường cao nhất. Trong khi ngắm nghía ngôi nhà tôi chợt thoáng nhìn thấy một bóng người, hình như có ai đang vào nhà. Quay đầu lại nhìn, thấy cửa nhà vẫn để hé mở, đằng sau ván cửa chắn hình như có người đi lại trong đó.
Là ai đã vào trong ngôi nhà này.
Có phải người kia cũng hiếu kỳ như tôi nên đến đây rồi “hai tư tưởng lớn gặp nhau?” hay là có ai đó khác.
Lúc này tôi thấy lạnh người, cảm giác có một đôi mắt đằng sau cửa đang trộm nhìn mình. Từng bước tôi tiến vào nhà, lòng hiếu kỳ như ma lực cuốn hút thôi thúc tôi vào trong ấy, càng đến gần ngôi nhà kia tôi càng linh cảm thấy đôi mắt rình nhìn trộm tôi kia càng chăm chú. Đi đến cửa nhà, đảo mắt nhìn quanh, kỳ lạ là trong nhà trống rỗng không có một ai, nền đất phủ một lớp bụi dày, phẳng lì chứng tỏ không có ai trong nhà cả, vì nếu có nhất định sẽ để lại dấu chân trên nền bụi. Tôi tự hỏi, vật vừa rồi tôi nhìn thấy là gì? Tự nhiên trong người tôi như có luồng điện chạy dọc từ đỉnh đầu xuống gót!
Trong nhà có một chiếc giường, dưới cửa sổ chắn song có một chiếc bàn, ở góc tủ có tấm kính lớn đủ soi toàn thân, khung kính làm bằng gỗ. Chiếc kính đối diện với cửa sổ chắn song bên cửa chính, mặt kính lâu ngày không được lau chùi đã bám một lớp bụi dày. Với vùng hẻo lánh này vào thời đó thì nó là cả một đống tiền.
Tôi tiến lên, đưa tay lau mặt kính vừa đủ sạch để có thể soi được, tôi lại phát hiện có bóng người trong gương. Giật thót cả người, tôi vội lau hết bụi cả tấm kính, thật khủng khiếp, trong kính chỉ là một đôi mắt mở to đầy vẻ kinh hoàng đang nhìn chằm chằm vào tôi, ngoài đôi mắt dõi theo tôi từ nãy đến giờ. Tôi quay đầu cắm cổ bỏ chạy, càng chạy càng thấy lạnh sau lưng, vì tôi cảm thấy thực sự có một luồng khí đen lành lạnh đang bám theo tôi.
“Họ muốn ngươi phải chết!”
Đúng vậy, họ muốn tôi phải chết.
Khi chạy đến cổng làng, tôi gặp một tên mặt đen, hắn cầm khẩu súng săn trong tay, tay kia xách mấy con thỏ rừng săn được. Khi tôi chạy ngang qua hắn, hắn nhìn tôi với đôi mắt hiếu kỳ. Có phải gã kia cũng là một thanh niên trong “Họ” – những người muốn giết tôi? Tôi tháo chạy như con thỏ gặp chó săn. Suốt buổi chiều hôm đó tôi ở lì trong nhà không đi đâu nữa.
Sợ quá, tôi muốn vào gặp bà nội hỏi cho ra rốt cục “Họ” mà bà nói hôm qua là ai, tại sao lại muốn giết tôi.
Lấy tro xương của bố ra, tôi muốn hỏi ông rốt cục ngôi làng mà ông sinh ra và lớn lên này có những điều quỷ quái gì.
Ngồi trong nhà mà tôi cứ nhớ lại cảnh mình bị gã cao to kia bóp cổ lúc sáng, tôi thấy đứng ngồi không yên, cứ sợ họ sẽ đến tìm tôi.
Đợi một lúc lâu chị họ mới về, có chị ấy, lòng tôi có phần nhẹ hơn. Chị họ đối với tôi rất tốt, chỉ có chị ấy là người không hại tôi thôi.
Tôi ra khỏi phòng đến bên chị, chị đang bận rửa rau làm cơm trong nhà bếp, nhà bếp ngột ngạt quá! Món ăn hôm nay khá phong phú, rau và thịt thỏ, chị ấy đang làm thịt thỏ để chuẩn bị cho bữa tối.
“Nghe nói hôm nay em bị người ta đánh phải không?” Hình như chị ấy đã sớm biết chuyện này, chị ấy nhìn tôi với ánh mắt thông cảm và chia sẻ, chị hỏi rồi tiếp tục chăm chú làm Vyệc.
“Ông ấy hơi kích động nên đánh em, em đừng có để bụng làm gì”.
Kích động? Sao ông ấy lại bị kích động? Tôi chỉ nghĩ bụng như thế nhưng không hỏi, chỉ ngồi xổm bên chị xem có chuyện gì cần sai bảo không.
“Hôm qua, vợ ông ấy đi đâu mất tiêu không thấy”. Hình như chị ấy không muốn nói đến chuyện này, chỉ lỡ mồm nói ra một câu như thế rồi im bặt như không có chuyện gì.
“Không thấy? Có phải chị muốn nói vợ ông ấy mất tích? Nếu mất tích sao không báo cảnh sát?”
“Báo cảnh sát? Em nghĩ ở đây như thành phố sao?” Chị ấy dừng tay lại rồi cười đau khổ nói: “Mỗi năm ở đây thế nào cũng có người mất tích hoặc chết đi, nhưng không ai chú ý đến chuyện này, chỉ vài hôm là người ta nhanh chóng quên đi thôi mà!”
“Sao lại như thế được?” tôi muốn nói gì thêm nhưng chị ấy không muốn bàn đến chuyện này nhiều.
“Thôi được rồi! Những chuyện đó là của người ta, em không nên bận tâm làm gì”.
Lặng thinh hồi lâu tôi cảm thấy chị ấy như có điều gì giấu tôi, nhưng tôi vẫn tin rằng chị ấy là người duy nhất không hại tôi. Chuyển sang đề tài khác, tôi kể về ngôi nhà tôi qua lúc sáng, rồi kể chuyện kỳ quái về ngôi nhà, cái giếng, và tấm gương.
Nghe tôi kể đến đó, sắc mặt chị ấy bỗng nhiên tái xanh đi, dừng công việc đang làm lại chị ấy nhìn tôi dặn với thái độ vô cùng nghiêm túc: “Hoa Tử, sau này em không đến đấy nữa đâu đấy, ở đó nguy hiểm…”
“Nguy hiểm?” Tôi không hiểu tại sao ở đấy lại nguy hiểm.
“Chuyện là thế này, trước đây đó là nhà của một ông địa chủ. Nghe nói, trước đây trong nhà có rất nhiều người bị bức đến chết…”
Chị kể về chuyện này cứ úp úp mở mở.
“Sau đó người trong làng đồn rằng trong ngôi nhà này có ma, thường xảy ra chuyện không hay”. Khi nói câu này giọng chị trầm hẳn xuống, rất nhỏ. Nhớ đến chuyện gặp cái bóng đen trong nhà ấy với làn khói đen kia nữa, tôi nghĩ đó là cái mà chị ấy bảo là “ma”.
Bữa cơm tối theo thường lệ là lúc mà mọi người cúi đầu cúi cổ ăn, không ai nói gì, nhưng lần này tôi không như hôm qua nữa, trong lúc ăn tôi cố gắp lấy gắp để những món ưa thích, nếu không sẽ không còn thức ăn. Ăn được một lúc, tôi lấy tay lau mồm, ngước mắt lên hỏi bác trai: “Lần về quê thăm này cháu có mang hài cốt của bố cháu về để chôn chung với mộ ông bà tổ tiên trong làng luôn”.
Bác trai đang gắp thức ăn bỗng dừng lại, một lúc lâu sau bác mới nói: “Chôn ở trên thành phố không được sao, nghe nói ở thành phố cũng có nghĩa trang mà! Nghĩa trang ở thành phố đẹp lắm cơ mà”
“Nhưng chôn ở đó đắt lắm bác ạ! Ở thành phố, nhà một người chết còn đắt đỏ hơn nhà người sống, vả lại bố cháu đã xa quê lâu như thế rồi, chắc bố cháu cũng đang nhớ quê lắm đấy, người ta nói lá rụng về cội mà, nghĩ thế nên cháu mới mang hài cốt bố cháu về đây”.
Thực ra đây là ý kiến của mẹ, nhưng tôi cứ nói đó là ý kiến của bố trước lúc chết cho xuôi chuyện. Bác ấy không nói gì thêm nhưng tôi nghĩ chắc bác ấy đang muốn nói điều gì đó.
Chị họ đưa mắt ra hiệu cho tôi không nên bàn tiếp về vấn đề này nên tôi cũng không dám nói gì thêm nữa.
Cơm nước xong như thường lệ chị họ mang thức ăn đến cho bà nội, tôi đứng trước cửa phòng bà, chỉ nghe bà nói: “278… 2… 7… 8… 278…” bà cứ nói suốt không nghỉ.
Khi chị họ đi ra, tôi hỏi nhỏ: “Có phải bà nội đã lú lẫn vì quá già rồi không, bà cứ nói 278 mãi như thế có hàm ý gì trong đó không?”
Chị họ kinh hoảng nhìn tôi: “Đó chính là số người – số người trong làng này”.
“Vậy bà cứ lẩm bẩm mãi trong mồm số người trong làng này để làm gì?”
Chị ấy nhìn tôi với ánh mắt khẩn cầu và bảo tôi: “Em đừng hỏi nữa, không được, còn có hài cốt của cậu trẻ nữa, hay là em mang cả về đi, nếu em muốn chôn ở đây chị e là không được, lần sau em đừng nhắc đến chuyện này nữa đấy, cứ bình tâm an phận mà sống vài hôm dưỡng sức rồi mau mau về thành phố đi”.
Tôi không hiểu tại sao, không nói thêm gì nữa. Chị vợ anh Xuân bụng đang mang bầu to tướng đi vào phòng, hình như ngày nào chị ấy cũng trốn trong phòng không đi ra ngoài, cả chồng chị ấy cũng ở trong nhà cả ngày với vợ. Chẳng lẽ họ không cần làm việc sao? Tôi thấy nghi ngờ quá, nhưng chuyện này tế nhị nên tôi cũng không hỏi chị họ làm gì, hình như chị ấy không muốn tôi biết những bí mật của ngôi làng này.
Đêm nay cũng chẳng khác gì hôm qua, không có nhà nào thắp đèn cả. Tôi nằm xuống giường nhìn lên tường nhà, thấy tường nhà có một vết nứt, không biết đó có phải là ảo giác không mà tôi nghe có tiếng gió vù vù thổi ra từ khe hở. Chăm chú hết sức nhìn vào kẽ hở ở bức tường đó, hình như luồng gió đó càng lúc càng đến gần tôi rồi dần dần lan rộng ra…
Nửa đầu đêm là tiếng rên ư ử từ căn phòng của anh con bác, nửa sau của đêm là tiếng mở cửa của phòng chị họ, sau đó chỉ nghe tiếng thở hổn hển. Kỳ lạ là, người đàn ông lần này không phải là người đàn ông hôm qua. Tiếng thở của người đàn ông hôm qua còn e dè, còn tiếng thở hôm nay rất tự nhiên không ngại gì cả.