Âm mưu ngày tận thế - Full - Chương 13
Một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, Thornton biết rằng thứ sáu nào bố vợ mình cũng biến mất. Thornton đã gọi điện xin ăn trưa với lão.
– Xin lỗi, – thư ký của Williard Stone trả lời, – nhưng hôm nay ngài Stone đi vắng.
– Ô chán quá. Thế trưa thứ sáu tới thì sao?
– Xin lỗi ông Thornton, thứ sáu tới ngài Stone cũng sẽ đi vắng.
Lạ nhỉ và thậm chí nó còn trở nên lạ hơn khi mà hai tuần sau đó Thornton cũng gọi lại và vẫn nhận được cùng một câu trả lời. Thứ sáu nào lão già cũng biến đi đâu thế nhỉ? Lão ta không phải là người say mê chơi gôn hay đam mê một thú vui nào cả.
Lý do hẳn là một người đàn bà. Vợ của Williard Stone ưa giao thiệp và rất giàu có. Bà ta là một phụ nữ đài các và cũng có tính cách mạnh mẽ hệt ông chồng. Bà ta không phải loại phụ nữ tha thứ được cho chồng về chuyện trăng hoa. Nếu lão ta đang có một vụ ngoại tình, Thornton nghĩ, điều đó có nghĩa là mình tóm được gáy lão. Ông ta hiểu là phải tìm ra cho bằng được.
5 giờ sáng ngày thứ sáu tiếp theo đó, Dustin Thornton đã ngồi sùm sụp sau tay lái của một chiếc Ford Taurus rất bình thường, đậu cách toà dinh thự sừng sững của Willard Stone nửa dãy phố. Đó là một buổi sáng lạnh giá và ảm đạm, và Thornton luôn tự hỏi ông ta đang làm gì ở đó. Có thể là có một lời giải thích hoàn toàn hợp lý nào đó cho cái hiện tượng kỳ cục nầy của Stone.
Mình đang phí thời gian, Thornton nghĩ. Nhưng có điều gì đó đã kìm chân ông ta lại.
Lúc 7 giờ, hai cánh cổng lớn mở ra và một chiếc xe xuất hiện. Ngồi sau tay lái là Williard Stone. Thay vì chiếc xe sang trọng thường dùng, lúc nầy lão ta đang ngồi trong một chiếc xe chở hàng nhỏ, màu đen mà đám gia nhân vẫn sử dụng. Thornton đột nhiên cảm thấy hồi hộp. Ông ta biết là mình đang phát hiện một chuyện gì đó. Người ta thường sống theo một khuôn phép riêng, và Stone đang phá vỡ cái khuôn phép ấy.
Phải là chuyện một người đàn bà.
Lái xe một cách thận trọng và giữ một khoảng cách khá xa chiếc xe chở hàng, Thornton bám theo ông bố vợ xuyên qua các đường phố Washington tới một con đường dẫn đi Arlington.
Mình phải thật tế nhị trong chuyện nầy, Thornton nghĩ. Mình không muốn làm quá mạnh. Mình sẽ thu thập tất cả các thông tin có thể có được về lão, và rồi mình sẽ lật quân bài. Mình sẽ nói với lão rằng mình chỉ quan tâm tới chuyện bảo vệ cho lão mà thôi. Lão sẽ hiểu. Lão chẳng bao giờ muốn có chuyện bê bối om sòm.
Dustin Thornton quá mải mê với những suy nghĩ đến nỗi suýt không rẽ theo Williard Stone. Họ đã tới một khu dân cư dành riêng. Chiếc xe hàng màu đen đột nhiẽn mất hút vào con đường nhỏ chạy dài trong bóng cây.
Dustin Thornton dừng xe, lựa chọn cách theo dõi tốt nhất. Liệu ông ta có nên chạm mặt với Williard trước sự không chung thuỷ của lão ta lúc nầy không? Hay nên đợi cho đến khi Stone đi khỏi và nói chuyện với người đàn bà kia trước đã? Hay nên yên lặng thu thập tất cả những thông tin cần thiết và rồi nói chuyện với ông bố vợ? Ông ta quyết định phải tìm hiểu cụ thể.
Thornton đậu xe ở một đường phụ và đi vòng theo con đường nhỏ ở phía sau ngôi nhà hai tầng kia. Một hàng rào gỗ bao quanh khu sân sau nhưng điều đó không có trở ngại gì. Thornton mở cổng và bước vào bên trong.
Ông ta đang đứng trước một khu vườn lớn, xinh đẹp và được chăm sóc chu đáo với ngôi nhà khuất phía sau.
Ông ta nhẹ nhàng đi dưới hàng cây chạy ngang bãi cỏ tới đứng bên cửa sau của ngôi nhà và tính toán bước đi tiếp theo. Ông ta cần có bằng chứng về chuyện đang xảy ra. Không có nó thì lão già sẽ cười vào mặt cho. Dù chuyện gì đang xảy ra bên trong kia thì lúc nầy thì cũng đều có thể là chìa khoá dẫn tới tương lai của ông ta. Phải tìm ra cho được.
– Rất nhẹ nhàng, Thornton thử mở cánh cửa sau.
Nó không được khoá. Ông ta lọt vào bên trong và thấy mình đang đứng trong một phòng bếp lớn kiểu cổ. Không có ai xung quanh cả. Thornton tiến đến bên cánh cửa phụ, nhẹ nhàng đẩy ra. Trước mặt ông ta là gian tiền sảnh lớn. Ở phía đầu kia là một cánh cửa đóng kín, có thể là dẫn tới một phòng thư viện. Thornton bước tới hết sức nhẹ nhàng. Ông ta đứng nép bên cánh cửa.
Không hề có tiếng động gì bên trong. Có thể là lão già đang ở trong phòng ngủ trên gác.
Thornton đẩy cửa ra. Ông ta đứng trước ngưỡng cửa, chết đứng. Có hơn một chục người đàn ông đang ngồi trong phòng, quanh một chiếc bàn lớn.
– Vào đi Dustin, – Williard nói. – Chúng tôi đang chờ anh đấy.
Tình hình ở Rome tỏ ra là khó khăn cho Robert, một cuộc thử thách tinh thần làm cho anh kiệt sức. Anh đã đi nghỉ tuần trăng mật ở đây với Susan, và ở đây cũng đầy những kỷ niệm. Rome đồng nghĩa với Roberto, người quản lý khách sạn Hassler cho mẹ anh, một người nặng tai nhưng có thể nhìn miệng người nói để hiểu với năm thứ tiếng. Rome có nghĩa là khu vườn của biệt thự D Este ở Tivoli, và niềm vui sướng của Susan trước một trăm dòng suối do con trai của Lucretia Borgia tạo nên. Rome là Otello, dưới chân. Những bậc thềm Tây Ban Nha, rồi Toà thánh Vatican và những bức bích hoạ nổi tiếng của Michelangelo. Rome là sự pha trộn giữa những giai điều nhạc du dương ở Tre Scalini cùng tiếng cười vui của Susan, và tiếng cô nói: “Robert, hãy hứa với em là chúng mình sẽ luôn hạnh phúc như thế nầy nhé”.
Mình đang làm cái quái gì ở đây nhỉ? Robert băn khoăn. Mình không hề biết tí gì về vị tu sĩ kia, hay thậm chí là liệu ông ta có ở Rome hay không. Đã đến lúc nghỉ ngơi, về nhà và quên hết những thử nầy.
Nhưng có điều gì đó trong anh, một nét bướng bỉnh thừa kế từ một ông tồ nào đó đã chết từ lâu, ngăn không cho anh làm như vậy. Mình sẽ cố gắng một ngày nữa, Robert quyết định. Một ngày nữa thôi.
Sân bay Leonardo da Vinci thật đông người và đối với Robert thì dường như bất kỳ ai cũng có thể là một tu sĩ. Anh đang tìm kiếm một tu sĩ trong thành phố có, bao nhiêu? Năm mươi nghìn tu sĩ phải không nhỉ? Hay một trăm nghìn? Trên taxi đến khách sạn Hassler, anh chú ý tới những đám đông các tu sĩ mặc áo choàng đi trên đường phố. Không thể được, Robert nghĩ. Mình hẳn là điên thật rồi.
Anh được viên phó quản lý chào đón ở tiền sảnh khách sạn Hassler.
– Ông Bellamy. Thật mừng là lại được thấy ông.
– Cám ơn. Pietro. Ông có phòng cho tôi nghỉ lại một đêm không?
– Cho ông, tất nhiên rồi. Luôn luôn sẵn sàng.
Robert được đưa đến một phòng mà anh đã từng ở.
– Nếu có cần gì xin ông cứ…
Tôi cần một điều kỳ diệu khốn kiếp, Robert nghĩ.
Anh ngả người nằm xuống, cố tĩnh tâm.
Vì sao một tu sĩ ở Rome lại đi Thuỵ Sĩ nhỉ? Có mấy khả năng. Ông ta có thể đi nghỉ, hoặc có thể dự một hội nghị tôn giáo. Ông ta là vị tu sĩ duy nhất trên chiếc xe bus đó. Điều đó có nghĩa gì nhỉ? Không gì cả. Ngoài một điều là ông ta không cùng đi với nhóm, có thể như vậy thôi. Bởi thế có thể là một chuyến đi thăm bạn bè hay gia đình của ông ta. Hoặc cũng có thể là ông ta đi cùng một nhóm, và riêng ngày hôm đó thì họ có những chương trình riêng lẻ. Những ý nghĩ của Robert cứ quẩn quanh trong một cái vòng tuyệt vọng.
Hãy trở lại từ đầu. Ông tu sĩ nầy đã tới Thuỵ Sĩ như thế nào nhỉ? Nhiều khả năng là ông ta không có một cái xe ô tô riêng. Ai đó có thể cho ông ta đi nhờ, nhưng khả năng nhiều hơn là việc ông ta đã đi bằng máy bay tầu hoả hoặc xe bus. Nếu là đi nghỉ thì ông ta hẳn đã không có nhiều thời gian. Bởi vậr hãy giả thiết rằng ông ta đã đi bằng máy bay.
Cách lập luận đó chẳng dẫn đến đâu cả. Các hãng hàng không không ghi lại nghề nghiệp của hành khách. Vậy thì vị tu sĩ kia cũng chỉ có một cái tên như bao nhiêu những cái tên khác trong danh sách hành khách. Nhưng nếu ông ta là thành viên của một nhóm…
***
Toà thánh Vatican, nơi ở chính thức của Giáo hoang, vươn lên một cách uy nghi trên đồi Vatican, bên bờ Tây sông Tiber, phía tây bắc thành Rome. Mái vòm cao của nhà thờ Basilica, do Michellangelo thiết kế, đứng sừng sững trên quảng trường rộng lớn, đêm ngày đầy những khách thuộc đủ mọi tín ngưỡng.
Quảng trường nầy được bao quanh bởi những chiếc cột trụ hình bán nguyệt được xây dựng xong vào năm 1667 dưới bàn tay của Bernini, với 284 chiếc cột đá hoa cương xếp thành bốn hàng và trên đó là một bao lớn đỡ 140 bức tượng. Robert đã thăm nơi nầy tới cả chục lần, nhưng lần nào anh cũng cảm thấy nghẹt thở trước quang cảnh ở đó.
Tất nhiên, phía trong Toà thánh, quang cảnh còn ngoạn mục hơn nữa. Nhà thờ Sistine: toà bảo tàng và Cung Sala đẹp đến mức không thể tả xiết.
Nhưng vào ngày hôm đó, Robert đã đến đây không phải để ngắm cảnh: Anh tìm được Phòng quan hệ với công chúng của Toà Thánh ở khu dành cho những việc liên quan đến bên đời. Người đàn ông trẻ tuổi ngồi sau bàn rất lịch thiệp.
– Tôi có thể giúp ông không ạ?
Robert đưa nhanh tấm thẻ ra.
– Tôi ở tạp chí Time. Tôi đang làm một bài viết về một số giáo sĩ đã tham dự một hội nghị tôn giáo ở Thuỵ Sĩ cách đây một hai tuần gì đó. Tôi đang cần những tư liệu về thân thế.
Người đàn ông kia nhìn anh một thoáng, rồi chau mầy.
– Chúng tôi có một số giáo sĩ dự một hội nghị ở Venise tháng trước. Gần đây thì không có giáo sĩ nào của chúng tôi đến Thuỵ Sĩ cả. Xin lỗi, tôi sợ là tôi không thể giúp gì cho ông.
– Việc nầy thật rất quan trọng, – Robert vội vã nói. – Làm thế nào để tôi có thể có những thông tin đó được?
– Cái nhóm mà ông tìm kiếm… họ đại diện cho dòng tu nào thế? Ông nói gì ạ? Đạo Thiên chúa có rất nhiều dòng: Dòng Francis, Marist, Benetdictine, Trappist, Jesuit, Dominic và một số dòng khác nữa.
– Tôi khuyên ông đến dòng tu của họ và hỏi ở đó xem.
Chỗ đó là chỗ quái nào? Robert nghĩ.
– Ông có gợi ý nào khác không hả?
– Tôi e là không.
Mình cũng thế, Robert nghĩ. Mình đã tìm thấy đồng cỏ. Mình không thể nào tìm được cái kim.
Anh rời khỏi Toà Thánh và lang thang trên các đường phố của thành Rome, mải mê với khó khăn của mình mà không hề để ý đến những người xung quanh đến quảng trường Appolo, anh ngồi vào một tiệm cà phê ngoài trời và gọi một ly Cinzano. Ly rượu vẫn ở yên trước mặt anh, không hề được động.
Với tất cả những gì anh đã biết thì vị tu sĩ kia có thể vẫn còn ở Thuỵ Sĩ. Ông ta thuộc dòng tu nào?
Mình không biết. Và mình chỉ có mỗi lời vị giáo sư kia nói rằng ông ta là người La Mã.
Anh uống một ngụm.
Có một chuyến bay đi Washington vào lúc chiều tối. Mình sẽ đi chuyến đó, Robert quyết định: Mình bỏ cuộc thôi. Ý nghĩ đó làm anh bực tức. Nhảy ra, nhưng không phải là cười mà là khóc. Đã đến lúc phải đi rồi.
– Tiền nầy.
– Thưa ngài, vâng.
Robert đưa mắt bâng khuâng nhìn quanh quảng trường. Phía bên đối diện với tiệm cà phê, một chiếc xe bus đang lấy khách. Trong dãy hành khách có hai tu sĩ, Robert nhìn hành khách đưa tiền vé và rồi đi xuống phía cuối xe.
Khi hai tu sĩ tới chỗ người bán vé, họ mỉm cười với ông ta và ngồi xuống ghế mà không trả tiền.
– Séc của ngài, thưa ngài, – người bồi bàn nói.
Thậm chí Robert không nghe thấy anh ta. Đầu óc anh đang quay cuồng. Nơi đây, ngay trong lòng nhà thờ Thiên Chúa, các tu sĩ có những đặc quyền nhất định. Có thể có thế thôi…
***
Văn phòng của hãng Hàng không Thuỵ Sĩ nằm ở số 10 đường P. chỉ cách đường Veneto khoảng 5 phút. Robert được một người đàn ông ngồi sau dãy bàn dài tiếp.
– Xin cho được gặp ông giám đốc?
– Tôi là giám đốc đây. Tôi có thể giúp gì ông?
– Michael Hudson, cảnh sát quốc tế. – Robert chìa ra một tấm thẻ.
– Tôi có thể làm gì cho ông được, ông Hudson?
– Một số hãng hàng không quốc tế đang phàn nàn về việc giảm giá vé bất hợp pháp ở châu Âu, và ở Rome nói riêng. Thể theo công ước quốc tế…
– Ông Hudson, tôi xin lỗi, nhưng Hàng không Thuỵ Sĩ không có cho giảm giá. Mọi người đều phải trả theo giá đã công bố…
– Tất cả hả?
– Tất nhiên là trừ những nhân viên của hãng.
– Các ông không giảm giá cho các giáo sĩ à?
– Không. Với hãng nầy, họ phải trả cả vé.
– Cám ơn ông đã dành thời giờ. – Và Robert bước ra.
***
Chỗ dừng tiếp theo – Và cũng là hy vọng cuối cùng của anh – là hãng Alitalia.
– Có chuyện giảm giá bất hợp pháp không? – Ông giám đốc sững người nhìn Robert, kinh ngạc. – Chúng tôi chỉ giảm giá cho nhân viên của chúng tôi.
– Các ông không giảm giá cho các tu sĩ à?
Gương mặt ông giám đốc sáng lên.
– A, chuyện đó thì có: Nhưng đó không phải là bất hợp pháp. Chúng tôi đã có những thoả thuận với bên Nhà thờ.
Tim Robert rộn lên.
– Vậy đó nếu như một tu sĩ muốn bay đi từ Rome, chẳng hạn như đến Thuỵ Sĩ, thì ông ta sẽ đến hãng nầy chứ?
– Ồ, vâng, như vậy ông ta sẽ đỡ tiền hơn.
Robert nói:
– Để có thông tin mới nhất cho các máy tính của chúng tôi, sẽ rất có ích nếu như ông có thể cho tôi biết bao nhiêu tu sĩ đã bay đến Thuỵ Sĩ trong hai tuần lễ qua. Ông có hồ sơ chứ?
– Vâng, tất nhiên. Để dễ cho chuyện thuế má.
– Tôi thật sự cần những thông tin đó.
– Ông muốn biết có bao nhiêu tu sĩ đã bay đi Thuỵ Sĩ trong hai tuần qua phải không ạ?
Đúng. Zurich hoặc Geneva.
– Xin đợi cho một chút. Tôi sẽ gọi từ máy tính ra.
Năm phút sau, ông giám đốc quay lại với một bản in từ máy tính.
– Trong hai tuần qua chỉ có duy nhất một tu sĩ bay bằng Alitalia đi Thuỵ Sĩ. – ông ta xem tờ giấy trong tay. – Ông ta rời khỏi Rome vào ngày 7, đi Zurich. Ông ta đăng ký bay trở về hai ngày sau đó.
– Tên ông ta? – Robert hít một hơi sâu.
– Cha Rometo Patrini.
– Địa chỉ?
Ông ta lại nhìn xuống.
– Ông ấy sống ở Orvieto. Nếu ông cần gì thêm. – Ông ta ngước nhìn lên, Robert đã đi khỏi.